Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Chính Phủ đã ký dự thảo Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ (Luật TT ATGT ĐB) gửi Quốc hội, trong đó có nội dung thống nhất chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX). Theo đó, Bộ Công An chưa tiếp nhận việc đào tạo, cấp GPLX và giữ nguyên quy định Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đảm trách nhiệm vụ này.
Dự thảo Luật TT ATGT ĐB gồm 8 chương, 61 điều, sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với thực tiễn. Trong đó có các nội dung đáng quan tâm như Quy tắc giao thông đường bộ (Chương 2 gồm 24 điều, từ Điều 9 đến Điều 32) quy định về việc chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ; chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách khi điều khiển phương tiện; sử dụng làn đường; vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt; chuyển hướng xe; lùi xe; tránh xe đi ngược chiều; dừng xe, đỗ xe; mở cửa xe…
Tích hợp giấy phép lái xe với thẻ căn cước công dân Chính phủ cho biết cũng đã tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo luật với các ý kiến đề nghị nghiên cứu tính khả thi của việc tích hợp giấy phép lái xe với thẻ căn cước công dân trong điều kiện hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư |
Dự thảo Luật TT ATGT ĐB dành hẳn Chương 3 với nội dung về Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (gồm 11 điều, từ Điều 33 đến Điều 43), quy định về: Điều kiện xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, xe thô sơ tham gia giao thông đường bộ; cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký và biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng… Một số điểm mới trong dự thảo Luật lần này là việc quy định Người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe; người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy lái theo yêu cầu; sửa đổi một số hạng giấy phép lái xe để phù hợp với Công ước Viên năm 1968…
Ngoài ra, một số nội dung khác đáng quan tâm của dự thảo Luật TT ATGT ĐB bao gồm: Cụ thể hóa những biện pháp, cơ chế tổ chức giao thông an toàn (Chương IV gồm 7 điều, từ Điều 44 đến Điều 50), Luật hóa về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ (Chương V, gồm 33 điều, từ Điều 51 đến Điều 53); Thay đổi phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật (Chương VI, gồm 4 điều, từ Điều 54 đến Điều 57); và cuối cùng là quy định về Quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ (Chương VII, gồm 2 điều, từ Điều 58 đến Điều 59) với nội dung quản lý nhà nước về TT ATGT ĐB. Theo đó Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ; Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ; các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về TT ATGT ĐB.
Điều 57 tại Dự thảo Luật TT ATGT ĐB quy định về GPLX |
Theo thống kê của Bộ Công An: Từ năm 2009 đến hết tháng 12/2021 đã lập biên bản xử lý 65.200.379 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc nhà nước 33.235 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 3.895.548 trường hợp, tạm giữ 16.126.720 phương tiện.
Tham khảo: Quy định về Điểm giấy phép lái xe (Điều 62, dự thảo Luật TT AT GTĐB)
1. Giấy phép lái xe có tổng điểm là 12 điểm. Giấy phép lái xe bị trừ điểm khi người điều khiển phương tiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
2. Trong trường hợp bị trừ hết điểm, giấy phép lái xe sẽ không còn hiệu lực. Người lái xe muốn được cấp giấy phép lái xe mới, phải học và thi sát hạch như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày giấy phép lái xe không còn hiệu lực. Mọi hành vi gian lận ảnh hưởng đến kết quả trừ điểm trên giấy phép lái xe sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
3. Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành.
4. Chính phủ quy định về trừ điểm giấy phép lái xe.
Như Phúc