Mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 là một kế hoạch tham vọng của Honda Việt Nam, theo đó các dự án giảm thiểu phát thải carbon được thực hiện theo hai nội dung chính liên quan đến Hoạt động của doanh nghiệp và Sản phẩm.
Ông Koji Sugita - vừa nhậm chức Tổng Giám đốc của Honda Việt Nam từ 1/4/2023 |
Đối với Hoạt động của doanh nghiệp, theo định hướng từ Honda Motor Company (HMC), Honda Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2030 cắt giảm 46% CO2 so với năm 2019 và tiến tới Trung hòa Carbon vào năm 2050. Với các phần việc liên quan đến tiết kiệm năng lượng và phát triển nguồn năng lượng sạch (1). Ngoài ra, HVN cũng phối hợp với các nhà cung cấp thực hiện hoạt động cắt giảm CO2, chung tay cùng Chính phủ nhằm giảm thiểu CO2 (*).
Hệ thống điện năng lượng mặt trời của HVN, hiện đáp ứng được khoảng 6% nhu cầu điện của hai nhà nhà máy (thông tin từ HVN) |
Đáng quan tâm, liên quan đến yếu tố Sản phẩm, HVN cho biết mục tiêu của sản xuất xe máy sẽ theo định hướng của HMC, cắt giảm CO2 đến năm 2030 là 34% so với năm tài chính 2020.
Trong năm 2023, HVN đã chính thức đưa vào vận hành Hệ thống điện áp mái tại 2 nhà máy Vĩnh Phúc và Hà Nam với tổng công suất 8 MWp. Điều này góp phần giảm sử dụng điện lưới Quốc gia hơn 7,5 triệu kWh/ năm, tương đương giảm khoảng 4.700 tấn CO2/ năm. |
Cho tới thời điểm hiện tại, mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình trên các mẫu xe máy của HVN là 1,9 lít/100km. Và đã triển khai một số giải pháp về tiêu hao nhiên liệu cho sản phẩm, phát triển các nguồn nhiên liệu thay thế (xăng sinh học E5 và E10, thậm chí là cả E100).
Ngoài ra, HVN hứa hẹn sẽ mang nhiều sản phẩm tô tô thân thiện với môi trường về Việt Nam ngay trong năm 2023 này (là một mẫu ô tô hybrid, và nhiều khả năng sẽ là mẫu CR-V – PV).
Lộ trình cắt giảm khí thải carbon đối với các hoạt động liên quan sản phẩm ô tô và xe máy từ nay đến năm 2050 của HVN |
Trong khi đó, với mục tiêu hiện thực hóa kế hoạch “Không có tử vong do tai nạn giao thông đường bộ vào năm 2045” của Chính phủ Việt Nam cũng như mục tiêu của Honda Motor “Không có tử vong do va chạm giao thông vào năm 2050”, HVN đưa ra các hoạt động về an toàn giao thông theo kịch bản 4E:
Đánh giá – Evaluation: Phối hợp với Chính phủ Việt Nam tiến hành nghiên cứu tai nạn giao thông nhằm xác định nguyên nhân gốc rễ và đề xuất các biện pháp hiệu quả để cải thiện an toàn giao thông. Phối hợp cùng VAMM, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (NTSC) và Học viện Cảnh sát nhân dân để phối hợp với bộ ban ngành liên quan đề xuất các giải pháp hiệu quả và lộ trình thực hiện với Chính phủ nhằm cải thiện an toàn giao thông tại Việt Nam.
Giáo dục – Education: Mở rộng các hoạt động đào tạo an toàn giao thông, triển khai các hoạt động mới với trách nhiệm của nhà sản xuất, bao gồm: Đào tạo lái xe an toàn, xây dựng thêm một trung tâm đào tạo tại Tp Hồ Chí Minh, chia sẻ và tăng cường nâng cao kiến thức an toàn giao thông cho trẻ em (và cả phụ huynh) đi kèm việc tặng mũ bảo hiểm.
Kỹ thuật – Engineering: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ an toàn để bảo vệ người lái (các công nghệ an toàn cho ô tô/xe máy…
Hoạt động phối hợp – External Affair: Phối hợp chặt chẽ với Chính phủ xây dựng chính sách quản lý an toàn giao thông; xây dựng quy định về giấy phép lái xe cho người sử dụng xe điện, xây dựng quy định về tính năng an toàn cho xe máy…
Trả lời câu hỏi của phóng viên chuyên mục Xe & Công nghệ liên quan đến việc với doanh số hơn 2 triệu xe máy/năm và trong kế hoạch của HVN về cắt giảm carbon không nhắc tới việc chuyển đổi kinh doanh các dòng xe máy dùng động cơ xăng sang xe máy điện hoặc xe hybrid, đại diện HVN - Ông Koji Sugita cho biết: "Hiện tại chiến lược kinh doanh của Honda Việt Nam sẽ được thực hiện trong tổng thể các vấn đề liên quan nên việc chuyển đổi từ dòng xe máy chạy xăng sang chạy điện hiện chưa đến thời điểm thực hiện. Honda tại thị trường Việt Nam tới đây vẫn sẽ kinh doanh các dòng xe máy chạy xăng như hiện tại". |
Như Phúc