Trong một nỗ lực cải tổ toàn bộ hệ thống kiểm soát chất lượng, Toyota Motor Company đã thừa nhận: Có sự buông lỏng ở nhiều cấp quản lý khác nhau đã dẫn đến một trong những sự cố tồi tệ nhất lịch sử của hãng.
Bê bối gian lận đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất và doanh số của Toyota tại Nhật Bản. Và trong một nỗ lực
nhằm cải tổ quy trình và xiết lại hệ thống quản lý chất lượng, Toyota đã có hàng loạt thay đổi quan trong trong một bản kế hoạch vừa được công bố.
Toyota đã nộp một bản báo cáo chi tiết về kế hoạch sửa sai này, theo hướng quy trách nhiệm và tập trung quản lý hơn, bao gồm hàng loạt các quy định mới, phương pháp mới, cùng với việc bổ sung trách nhiệm vào quy trình cấp chứng nhận.
Theo đó Giám đốc Công nghệ và Giám đốc chất lượng toàn cầu của Toyota sẽ là đưa ra các quyết định trong quá trình phát triển các mẫu xe và là tiếng nói cuối cùng trong việc cấp chứng nhận sản phẩm. Tiếp đến, với vai trò là lớp bảo vệ thứ hai, Giám đốc Pháp lý của tập đoàn sẽ kiểm tra, rà soát các quy trình và báo cáo lên giám đốc rủi ro.
Trong thông báo, Toyota cũng thừa nhận đã buông lỏng quản lý ở nhiều cấp quản lý khác nhau và cam kết sẽ cải thiện tình hình: "Toyota đã nhận ra rằng công tác quản lý chưa đủ sâu sát trong hoạt động (cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn chất lượng), và nhiều lĩnh vực trong hoạt động cấp chứng nhận của công ty cần phải cải thiện; như hệ thống quản lý dữ liệu, hay việc thiết lập các nguyên tắc và quy trình rõ ràng. Toyota sẽ rà soát lại toàn bộ cơ chế và các hệ thống để đảm bảo hoạt động cấp chứng nhận phù hợp hơn, lưu tâm những bất thường, và có hành động kịp thời thông qua việc phối hợp giữa các cấp quản lý và nhân sự trực tiếp".
Dự kiến những mẫu xe bị ảnh hưởng do gian lận kết quả thử nghiệm an toàn như Yaris Cross, Corolla Axio, và Corolla Fielder... sẽ được phép quay trở lại sản xuất vào tháng 9 tới đây.
Tổng hợp