Cấm cải tạo thành xe chở người, cấm tua công-tơ-mét, cấm can thiệt phần mềm điều khiển xe, cấm dùng flycam trên khổ giới hạn đường bộ... Khá nhiều điểm mới đáng chú ý sẽ có trong Luật Trật tự An toàn Giao thông Đường bộ 2024.
Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ (TT ATGT ĐB) có 9 Chương, 89 Điều quy định về quy tắc, phương tiện, người tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong đó quy định rõ 27 hành vi bị nghiêm cấm (bên cạnh các quy tắc giao thông đường bộ), ngoài các điều kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ 2008 về việc điều khiển phương tiện phải có GPLX đạt chuẩn; hành vi đua xe, cổ vũ đua xe; sử dụng, mua bán trái phép biển số xe; chờ hàng hoá quá tải trọng…, thì 10 quy định sẽ là những vấn đề đáng quan tâm nhất.
Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có nồng độ cồn, có chất ma túy hoặc chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng.
Đua xe, tổ chức đua xe, xúi giục, cổ vũ đua xe trái phép; điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ lạng lách, đánh võng, rú ga liên tục.
Dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông
Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không bảo đảm quy định của pháp luật hoặc giao cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để điều khiển xe tham gia giao thông
Cải tạo xe ô tô loại khác thành xe ô tô chở người, trừ cải tạo thành xe ô tô chở người phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
Cải tạo trái phép; cố ý can thiệp làm sai lệch chỉ số trên đồng hồ báo quãng đường đã chạy của xe ô tô. Cố ý can thiệp, thay đổi phần mềm điều khiển của xe, động cơ của xe đã được đăng ký với cơ quan quản lý, nhằm mục đích gian lận kết quả kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định; thuê, mượn phụ tùng xe cơ giới chỉ để thực hiện việc kiểm định.
Lắp đặt, sử dụng thiết bị âm thanh, ánh sáng trên xe cơ giới, xe máy chuyên dùng gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đặt, để chướng ngại vật, vật cản khác trái phép trên đường bộ; rải vật sắc nhọn, đổ chất gây trơn trượt trên đường bộ; làm rơi vãi đất đá, hàng hóa, vật liệu xây dựng, phế thải trên đường bộ; Cản trở người, phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ; ném gạch, đất, đá, cát hoặc vật thể khác vào người, phương tiện đang tham gia giao thông.
Sử dụng quyền của xe ưu tiên khi không thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định của pháp luật.
Điều khiển vật thể bay, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động trong phạm vi khổ giới hạn đường bộ gây cản trở hoặc nguy cơ mất an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, trừ tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ được cấp phép bay.
(*)Khổ giới hạn của đường bộ quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 28 Luật Giao thông đường bộ 2008
Khổ giới hạn của đường bộ là khoảng trống có kích thước giới hạn về chiều cao, chiều rộng của đường, cầu, bến phà, hầm đường bộ để các xe, kể cả hàng hóa xếp trên xe đi qua được an toàn.
Khổ giới hạn về chiều cao của đường bộ là 4,75 mét đối với đường cao tốc, đường cấp I, II, III và 4,5 mét đối với đường cấp IV trở xuống.
Khổ giới hạn về chiều rộng của đường bộ là giới hạn chiều rộng làn xe, phụ thuộc vào cấp kỹ thuật của đường bộ và địa hình xây dựng tuyến đường.
Luật Trật tự An toàn Giao thông Đường bộ sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025, các điều khoản thi hành sẽ được ban hành trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện cụ thể.
Trong quá trình đàm phán sáp nhập, Honda đang thúc đẩy Nissan mua lại cổ phần thuộc sở hữu của Renault nhưng vấn đề tài chính đang gây khó khăn cho ...
Trong khuôn khổ triển lãm Bharat Mobility Global Expo 2025, VinFast đã chính thức ra mắt tại Ấn Độ và trưng bày 2 mẫu xe đầu tiên dành cho thị trường ...