Không ESP, không camera lùi, sử dụng hộp số sàn nhưng có khoá vi sai và chuyển cầu bằng điện… sẽ không phải phiên bản Wildtrak đắt tiền mà sẽ là một Ranger XL giá rẻ nhất “tạo sóng” ở phân khúc bán tải, một phiên bản dành cho “dân chơi” đích thực.
Ford Ranger thế hệ mới đã chính thức xuất xưởng từ nhà máy tại Hải Dương, với 6 phiên bản (chưa có phiên bản Ranger Raptor). Trong đó, phiên bản Ranger Wildtrak (có giá bán 965 triệu đồng) – với các trang bị cao cấp nhất – những trang bị mà Ford tự hào có được và không hề “tiết kiệm” khi hào phóng cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam.
Tuy nhiên, trong lần xuất hiện này phiên bản được người tiêu dùng và cả giới quan sát đánh giá cao nhất đó là phiên bản tiêu chuẩn Ranger XL - phiên bản rẻ tiền nhất (659 triệu đồng), nhưng cũng là mẫu xe bán tải “thuần chất” và nâng tầm phân khúc xe khó tính này.
Với giá bán 659 triệu đồng, có thể dễ dàng kể ra hàng loạt trang thiết bị mà Ford Ranger XL không có so với các phiên bản cao cấp hơn; không có hộp số tự động, vành thép kích thước bé hơn, không có các trang bị an toàn cao cấp (ESP, TCS, camera/cảm biến lùi, hệ thống chống lật, hỗ trợ đổ đèo…) lại càng không có các công nghệ hỗ trợ lái xe như cảnh báo lệch làn hay hỗ trợ giữ làn, cảnh báo va chạm trước và hỗ trợ phanh khẩn cấp… Tuy nhiên, Ford Ranger XL lại được đánh giá là mẫu bán tải “thuần chất” nhất, nam tính nhất và chỉ dành cho các “dân chơi” đích thực và đương nhiên, là cả các khách hàng cần một mẫu xe đa dụng, mạnh mẽ mà không rườm rà, cầu kỳ và phụ thuộc quá nhiều của các hệ thống điện tử.
Ford Ranger XL dành cho năm 2022 này cũng được trang bị động cơ 2.0L turbo TDCi (170 mã lực, 405 nm tại 1.750 đến 2.500 vòng/phút) như các phiên bản cao cấp hơn như XLS, XLT… nhưng đi kèm với hộp số sàn 6 cấp. Mặc dù vậy, Ranger XL vẫn được trang bị khoá vi-sai cầu sau (kích hoạt bằng nút bấm thay vì điều khiển trên màn hình như các mẫu Wildtrak hay XLT) và hệ thống gài cầu điện tử (Shift-on-fly).
Trong khi đó, cho dùn việc thiếu đi các tính năng hỗ trợ như hệ thống kiểm soát lực kéo, hệ thống kiểm soát chống lật, hệ thống cân bằng điện tử… do bài toán chi phí nhưng cũng sẽ mang tới một trải nghiệm lý thú khi mà động cơ không bị giới hạn hay kiểm soát, hạn chế sức mạnh khi vận hành – một điều mà “dân chơi” bán tải hay offroad rất thích thú bởi lúc nào chiếc xe cũng hoạt động trong tình trạng phô diễn triệt để sức mạnh mà không có sự ngăn cản hay tác động nào.
Và chính vì là phiên bản ít tiền nhất, Ford Ranger XL sẽ không có camera lùi (chứ đừng nói camera 360o) và cảm biến lùi, nội thất da hay ghế lái chỉnh điện… những trang bị mang tính tiện nghi cao cấp. Mặc dù vậy, Ford gây ngạc nhiên khi cung cấp cho Ranger XL màn hình giải trí 10 inch (tương đương XLT) đi kèm hệ thống SYNC 4 có hỗ trợ kết nối Apple Carplay/Android Auto không dây.
Chưa hết, Ford Ranger XL được trang bị bảng đồng hồ kỹ thuật số 8 inch, tương đồng trên toàn bộ các phiên bản Ranger thế hệ mới tại Việt Nam, cùng với đó Ford còn hào phóng trang bị hệ thống đèn pha tự động (đèn cos) cho Ranger XL – một tính năng khá tiện lợi đề phòng trường hợp quên đèn khi đi qua hầm đường bộ hay khi trời nhập nhoạng tối… Và đặc biệt, Ford Ranger XL cũng được trang bị 6 túi khí, bao gồm cả cả túi khí rèm – một sự hào phóng đáng ghi nhận cho một mẫu xe “nguyên bản”.
Việc tung ra một phiên bản đặc biệt dành cho những người có nhu cầu rõ ràng về một mẫu xe bán tải đúng chất, đi kèm với thiết kế hoàn toàn mới và tiện dụng hơn, rõ ràng Ford đang gây sức ép với các đối thủ khác ở phân khúc bán tải chứ không chỉ “hài lòng” với con số 60% thị phần như hiện nay, kể cả khi đối thủ nặng ký là Toyota Hilux âm thầm rút khỏi Việt Nam. Mặc dù vậy, có lẽ đây lại là cơ hội đối với người tiêu dùng Việt Nam khi sẽ được tiếp cận với các mẫu xe bán tải khác, với giá bán ưu đãi hơn khi mà sức ép của Ranger khiến “cuộc sống” của Triton, BT-50 hay D-max trở nên ngột ngạt hơn…