Subaru Crosstrek - mẫu urban-SUV đầu tiên và cũng là mẫu xe đầu tiên đánh dấu sự chuyển đổi của việc phân phối xe của Subaru tại Việt Nam, trở lại giai đoạn nhập khẩu toàn bộ các dòng sản phẩm từ Nhật Bản, sau khi mẫu Forester không còn được lắp ráp tại Thái Lan (*).
Subaru Crosstrek xuất hiện tại Việt Nam trong một giai đoạn không chỉ với những khó khăn nội tại – nhập khẩu từ Nhật Bản với thuế suất cao (khoảng 40%) mà còn tham gia cạnh tranh ở một phân khúc xe đô thị gầm cao thực sự nóng bóng, với hàng loạt cái tên đã thành danh từ Nhật Bản và Hàn Quốc, chưa kể các đối thủ mới nổi từ Trung Quốc.
Chính vì vậy, một thực tế không thể né tránh với Subaru Crosstrek là với giá bán 1,098 – 1,268 tỷ đồng là một thách thức thực sự với người tiêu dùng vì số tiền này hoàn toàn có thể lựa chọn các mẫu xe có kích thước lớn hơn. Nhưng điều này chắc chắn sẽ là động lực để Subaru tại Việt Nam quyết tâm hơn (trong kinh doanh) để xây dựng một sản phẩm then chốt cho thị trường khó tính này.
Điều này càng trở nên cấp thiết hơn vì tới đây nguồn cung các mẫu Forester từ Thái Lan cũng chỉ còn đáp ứng cho đến quý III/2025 – theo tính toán của Subaru Việt Nam, sau đó cũng trở lại nhập khẩu từ Nhật Bản, đồng nghĩa với việc phải tăng giá.
Subaru Crosstrek có gì để tự hào?
Crosstrek - mẫu urban-SUV của Subaru này được coi là bản nâng cấp từ mẫu Subaru XV vốn được lắp ráp tại Nhật Bản và Malaysia (đáng tiếc cũng không được nhập khẩu về Việt Nam) tiếp tục phát huy những thế mạnh của thương hiệu Nhật Bản này về thiết kế, sự an toàn và cảm giác lái. Và việc được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản cũng là một Giấy Chứng nhận cho khả năng an toàn và tiện nghi – điều mà người tiêu dùng Việt Nam luôn đề cao các sản phẩm từ “Đất nước Mặt trời mọc”.
Ghi nhận đầu tiên là thiết kết của Crosstrek bớt “nghiêm túc” hơn, điều này cũng phụ thuộc vào phân khúc urban-SUV, phải đáp ứng cho được tập khách hàng trẻ tuổi hơn, năng động; kiểu dáng ngoại thất thể thao với nhiều mảng tạo hình khối, cụm đèn pha công nghệ led nối liền mạch bằng một thanh mạ crom trên lưới tản nhiệt giúp xóa bớt sự hạn hẹp về không gian của một mẫu xe đô thị…
Ở phía sau, vẫn là thiết kế cụm đèn hậu với thiết kế tuân thủ theo dòng chảy của toàn bộ dải sản phẩm SUV của Subaru, nhưng các chi tiết được bố trí khá hài hoà, không bị chia nhỏ làm rối mắt, đáp ứng được yêu cầu về thiết kế của một mẫu xe nhỏ, gầm cao cùng thiết kế hài hoà.
Một đặc điểm thiết kế đáng để Crosstrek tự hào là việc Subaru đã kết hợp với nghiên cứu của một trường đại học Y khoa để tạo ra một thiết kế bộ ghế ngồi công thái học giúp ổn định, tạo sự thoải mái bằng việc giảm hiện tượng lắc ngang phần thân người ngồi, lưng ghế và phần nệm giúp ổn định xương chậu cột sống ổn định và thoải mái hơn.
Sự kết hợp này còn giúp tăng khả năng triệt độ ồn trong khoang lái bằng việc chỉ ra nguồn gốc là sự cộng hưởng từ trần xe, từ đó đưa ra các giải pháp bằng các vật liệu tiêu âm mới (có nguồn gốc từ mastic) có khả năng giảm chấn tốt với khả năng hấp thụ rung động cao.
Ngoài ra, trang thiết bị tiện nghi chiếc Crosstrek đảm bảo mang lại sự thoải mái nhất khi vận hành; hàng ghế trước chỉnh điện, điều hoà tự động hai vùng độc lập, màn hình giải trí 11 inch lần đầu tích hợp hỗ trợ kết nối Apple Carplay/Android Auto…
Tuy nhiên điểm trừ mà Subaru tỏ ra rất cố chấp là việc tự tin về khả năng làm mát của hệ thống điều hoà mà bỏ đi thiết kế cửa gió cho hàng ghế sau (dù vẫn có bệ tỳ tay hàng ghế trước) – một điểm thiết kế mà người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam rất quan tâm.
Một số hình ảnh chiếc Subaru Crosstrek - một chiếc urban-SUV đô thị:
Vậy Subaru Crosstrek tại Việt Nam có gì để cạnh tranh?
Subaru Crosstrek được thừa hưởng nhiều đặc điểm thiết kế và trang thiết bị từ mẫu SUV hàng đầu của Subaru là chiếc Outback: động cơ boxer, hệ thống dẫn động bốn bánh toàn thời gian đối xứng – SAWD (đi kèm 2 chế độ lái và 3 chế độ vận hành địa hình X mode), hệ thống hỗ trợ lái chủ động Eyesight… điều bất ngờ là mẫu xe này được nâng cấp hơn, hàm lượng công nghệ nhiều hơn.
Những thay đổi này phải kể đến sự xuất hiện lần đầu tiên của hệ truyền động mild-hybrid mà Subaru đặt tên là e-Boxer, là hệ thống Eyesight 4.0 với việc bổ sung thêm một camera góc rộng (nâng tổng số 3 camera), đèn hỗ trợ đánh lái với góc chiếu lên tới 90o (so với thân xe)…, các trang bị này trên Crosstrek, đều tập trung làm nổi bật các thế mạnh về thiết kế, sự an toàn và cảm giác lái.
e-Boxer (Mild-hybrid) trên Subaru Crosstrek có gì khác biệt?
Hệ thống hybrid nhẹ trên Subaru Crosstrek, bao gồm một động cơ xăng H4 2.0L phun nhiên liệu trực tiếp và một mô tơ điện được gắn ở đầu hộp số, hỗ trợ cho vận hành. Sự kết hợp của hệ thống e-Boxer mang tới khả năng vận hành mạnh mẽ hơn chứ không tập trung vào việc tiết kiệm nhiên liệu (đó là lý do mẫu e-boxer sẽ tiêu hao nhiều hơn phiên bản ICE khoảng 0,7L/100km trong phép đường thử hỗn hợp, một phần đến từ trọng lượng nặng hơn khoảng 110 kg).
Và mặc dù hệ thống mild-hybrid này chỉ có một cụm pin lithium có dung lượng nhỏ (0,6 kwh) nhưng bù lại sử dụng cấu trúc điện áp 118,4V giúp tăng hiệu suất động cơ một cách nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu vận hành một cách tức thời – đúng nhu cầu sử dụng trong đô thị.
Một điều đáng chú ý trên hệ thống e-Boxer là việc kích hợp chế độ vận hành kết hợp xăng/điện ngay từ khi khởi hành (0km/h) trong trường hợp lựa chọn chế độ X-mode, thay vì chế độ Sport/Intelligent (từ 4km/h) để hỗ trợ khả năng bứt tốc của chiếc xe. Thậm chí, Crosstrek còn có thể sử dụng chế độ lái X-mode ngay cả ở số lùi để giúp chiếc xe có thể thoát ra trong các tình huống địa hình khó, không thể di chuyển tiếp, chưa kể chế độ vận hành X-mode được bổ sung Chế độ chờ (Stanby) khi vận tốc của xe vượt quá 40km/h và kích hoạt trở lại khi tốc độ giảm xuống dưới 35 km/h.
Khi khởi hành, Crosstrek sẽ vận hành bằng chế độ thuần điện, khi xe lăn bánh bình thường, hệ thống kiểm soát năng lượng sẽ làm việc để điều tiết bằng sự kết hợp vận hành xăng/điện, xăng và tái sinh năng lượng để đạt được sự tối ưu của nhiên liệu, nhưng vẫn đảm bảo được khả năng vận hành linh hoạt. Chính vì vậy, khi vận hành bạn có thể thấy chế độ EV được kích hoạt ngay cả khi ở dải tốc độ 60 km/h – tất nhiên thời gian không dài và đáng quan tâm, động cơ xăng cũng được cho "ngủ" trong lúc hệ thống tái sinh năng lượng hoạt động để tối ưu nhiên liệu.
Hệ thống Eyesight 4.0 – “Tinh tường” hơn
Hệ thống hỗ trợ lái chủ động Eyesight trên Crosstrek đã được nâng cấp lên phiên bản 4.0 với sự xuất hiện của một camera góc rộng, bên cạnh cặp camera có sẵn như các phiên bản. Việc xuất hiện này giúp mở rộng đáng kể phạm vi nhận diện (lên tới 130o), cải thiện nhận diện hình ảnh (có thể nhận dạng xe máy và người đi bộ) và tốc độ phản ứng của hệ thống giúp lái xe an toàn hơn.
Đặc biệt, lần đầu tiên hệ thống Eyesight trên một mẫu Subaru tại Việt Nam xuất hiện tính Hỗ trợ lực phanh điện (Electronic Brake Booster), hệ thống điều khiển điện giúp tốc độ phản hồi chân phanh nhanh hơn, “êm” hơn (khi phanh). Các tính năng trong gói hỗ trợ lái Eyesight của Subaru Crosstrek tiếp tục khai thác các lợi thế trong vận hành mà các mẫu xe ở phân khúc cao hơn như Forester, Outback có được; sử dụng đơn giản, vận hành êm ái, tính linh hoạt cao.
Vẫn bao gồm bộ tính năng nền tảng của Eyesight như Phanh tránh va chạm với chức năng Đánh lái khẩn cấp tự động, Kiểm soát hành trình thích ứng với khả năng định tâm đường, Cảnh báo và hỗ trợ Tránh chệch làn đường, đèn pha Thông minh thích ứng, chức năng Nhận diện xe phía sau và tính năng Tự động phanh khi lùi… nhưng Subaru Crosstrek tại Việt Nam được bổ sung hệ thống đèn bổ trợ khi vào cua (mẫu Subaru đầu tiên), hệ thống đèn pha thích ứng theo hướng lái và hệ thống cảnh báo điểm mù, cảnh báo xe cắt ngang khi lùi đi kèm chức năng nhận diện xe phía sau…
Một điểm ghi nhận nữa của hệ thống Eyesight trên Subaru Crosstrek là việc sự tác động vào việc vận hành của chiếc xe khá êm ái, cho dù là cảnh báo, đánh lái, tác động chân phanh… thì quá trình này diễn ra theo một cách khá mềm mại, với nhiều cấp độ có thể cảm nhận được vị trí người lái (và cả hành khách), không hề có những phản ứng không biết trước từ hệ thống khiến người lái giật mình, khó chịu đi kèm cảm giác bất an.
Vận hành linh hoạt – Cảm giác lái chân thực, tự tin
Subaru Crosstrek có hàng loạt thay đổi mới về thiết kế, tập trung vào việc cải tiến hệ thống lái, tăng cường độ cứng thân xe, tối ưu hoá sức mạnh động cơ với sự hỗ trợ của hệ thống e-Boxer.
Subaru Crosstrek mới lần đầu được trang bị hệ thống trợ lực lái điện bánh răng kép (với đầu ra của trụ lái và mô tơ điện tách biệt nhau trên thước lái). Hệ thống này giúp đánh lái nhẹ nhàng và chính xác hơn khi di chuyển với tốc độ chậm như trong đô thị nhưng cứng vững là tự tin hơn khi đi với tốc độ cao.
Crosstrek đạt được sự vận hành tin cậy, cảm giác lái chân thực không thua kém các hãng xe hạng sang với hàng loạt thay đổi mới trong thiết kế, chế tạo với các phiên bản trước; bổ sung túi khí đệm ghế hành khách, tăng độ cứng thân xe tăng 10% với thép cường lực; khung xe được hoàn thiện sau đó mới hàn các tấm ốp bên ngoài; cấu trúc ghế và khung xe đã được thay đổi với ray cố định trực tiếp vào khung xe để tăng độ cứng và giảm độ rung các chi tiết; lượng keo kết nối các mối hàn và giảm độ ồn được tăng từ 8m lên 27m (so với thế hệ trước); độ dày và vị trí của tấm cách âm được tối ưu; tính khí động học cao với tấm ốp gầm xe được thiết kế lại giúp luồng gió gầm xe ổn định và không tạo độ ồn…
Trong khi đó, nhờ sự hỗ trợ của hệ thống e-Boxer, Subaru Crosstrek cải thiện được khả năng vận hành với lực kéo tối ưu ngay từ khi lăn bánh, hệ thống điều khiển giúp chiếc xe đạt momen xoắn cao nhất từ vòng tua khá sớm (xem biểu đồ), điều này đảm bảo cho chiếc urban-SUV này cực kỳ linh hoạt trong điều kiện di chuyển ở đô thị lớn và xa hơn là việc hỗ trợ cho chiếc xe vượt địa hình khó trong những tình huống di chuyển ở trong điều kiện đường đồi núi, cát sỏi…
Một số hình ảnh chiếc Subaru Crosstrek - Mẫu xe gầm cao đô thị nhưng thích ứng nhiều điều kiện vận hành khác nhau
Tuy nhiên với việc sở hữu trọng tâm thấp và ưu thế là hệ thống dẫn động bốn bánh toàn thời gian, Subaru Crosstrek mang lại sự tự tin rất cao khi di chuyển trên cao tốc. Trong điều kiện di chuyển này, hệ thống mild-hybrid không tác động, chiếc xe vận hành hoàn toàn dựa vào sức mạnh của động cơ 2.0L phun nhiên liệu trực tiếp nhưng khác biệt là việc người lái không có cảm giác đợi chờ chiếc xe đáp ứng phản ứng chân ga khi mà nhờ sự hỗ trợ của mô-tơ điện khi bắt đầu lăn bánh, chiếc xe đạt tốc độ theo yêu cầu khá nhanh và không hề “tốn sức”.
Những sự bảo thủ đầy tinh tế
Subaru có lẽ là hãng xe kiên định nhất, bảo thủ nhất với định hướng chế tạo những sản phẩm chỉnh chu nhất có thể, trên yếu tố tiên quyết là việc cho ra đời những mẫu xe an toàn và cảm hứng cầm lái cao nhất. Đó là những điều có thể giải thích với sự gắn kết của các mẫu xe Subaru với động cơ boxer, hệ thống dẫn động bốn bánh toàn thời gian…
Nhưng nếu bạn là người tinh tế và đồng cảm với sự chỉn chu trên Subaru Crosstrek mới, bạn sẽ cảm thấy thực sự hài lòng với những chi tiết thiết kế trên xe.
Nhất quyết không trang bị cửa gió hàng ghế sau do tự tin vào những kiểm nghiệm khả năng làm mát của hệ thống điều hoà; duy trì bảng đồng hồ trung tâm dạng kim truyền thống cho những ai đam mê cầm lái, thích thú với phản ứng của động cơ theo từng nhịp ga – điều mà không phải màn hình LCD nhiều tiền nào cũng có thể mô phỏng một cách chân thực nhất.
Tiếp đến, Subaru là hãng sở hữu khả năng điều khiển hệ thống ADAS (Eyesight) với các phím chức năng vận hành có thể truy cập nhanh và kích hoạt chỉ với một thao tác và Crosstrek cũng không ngoại lệ, thậm chí phần mềm điều khiển còn hỗ trợ các nhu cầu mang tính cá nhân khi có thể linh hoạt lựa chọn đưa các tính năng thường dùng ra ngay màn hình chính cho thuận tiện.Và nếu có thời gian tìm hiểu, các chi tiết thiết kế dù rất nhỏ nhưng cũng mang lại những sự hài lòng – một yếu tố quan trọng cho bất cứ ai khi cầm lái; ổ cắm USB đầy đủ cả trước/sau, đủ type-A/C và quan trọng là ghi rõ thông số, tay nắm treo trần có chốt hãm tránh tỳ tay vào cửa kiêm móc treo đồ, đèn cảnh báo điểm mù đặt tại góc gương chiếu hậu được hướng về người lái, lẫy hạ hàng ghế sau 1 thao tác với thiết kế đầu nấm tròn không gây đau tay và dễ sử dụng; màn hình giải trí trung tâm có mã khoá bảo vệ (do có thể tác động vào vận hành), cửa mở rộng với chốt thứ 2 chống xô lệch và giảm độ ồn…, những chi tiết thể hiện sự chỉn chu và thực sự chăm sóc đến cảm xúc của người dùng.
Thậm chí, các kỹ sư của Subaru còn cầu kỳ đến mức bị cho là bị Rối loạn Ám ảnh Cưỡng chế (OCD) với sự cân bằng khi mà trục chuyển động, vị trí đặt pin (của hệ thống e-Boxer) cũng phải được đặt ở vị trí phân bổ tối ưu, một cách cân bằng nhất có thể.
Subaru Crosstrek thực sự là một chiếc urban-SUV đô thị trẻ trung và năng động, nhưng lại có khả năng hướng tới khai mở những nhu cầu sử dụng mới mà bị hạn chế về phân khúc, tiếp cận tới những khách hàng trẻ đam mê khám phá, có nhu cầu cấp thiết về việc bước ra khỏi cuộc sống thường nhật khô khan, hướng tới sự tự do, năng động và nâng tầm bản thân.
Đương nhiên để có được điều này, câu chuyện về giá bán sẽ là trở ngại chính ngăn cách Subaru Crosstrek với những khách hàng trẻ, cho dù không thể phủ nhận những lợi thế của mẫu xe đậm chất Nhật Bản này. Giờ đây, để giải quyết được bài toán này, rõ ràng chính sách hậu mãi và dịch vụ sau bán hàng của nhà phân phối sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục người tiêu dùng, chứ nếu chỉ riêng tính năng sản phẩm để cạnh tranh thì rõ ràng, vẫn là chưa đủ.
Câu 332/ Gặp biển nào người lái xe được đỗ xe vào ngày lẻ?