Như vậy, ô tô đã chính thức được gia hạn đăng kiểm và đặc biệt xe mới còn được miễn đăng kiểm lần đầu sau khi Thông tư 2/2023/TT-BGTVT được Bộ Giao thông vận tải ban hành vào tối muộn ngày 21/3 vừa qua. Tuy nhiên, khiến tài xế và chủ xe bối rối và chưa rõ về việc áp dụng các quy định mới trực tiếp lên những chiếc ô tô thuộc sở hữu của mình. Dưới đây là một số vấn đề được giải đáp cho chủ xe sắp đăng kiểm theo đợt mới.
1. Miễn đăng kiểm nhưng chủ xe mới vẫn phải thực hiện một số thủ tục
Theo quy định ở khoản a Khoản 3 Điều 1 của Thông tư 2/2023/TT-BGTVT, chủ xe không cần đưa xe mới (thuộc diện miễn kiểm đinh lần đầu) đến đơn vị đăng kiểm. Tuy nhiên chủ xe chỉ cần chuẩn bị hồ sơ gồm các giấy tờ về Đăng ký xe, Bản cà số khung - số động cơ. Căn cứ vào hồ sơ hợp lệ, các trung tâm đăng kiểm sẽ cấp giấy chứng nhận kiểm định không có ảnh, thay vào đó là dòng chữ "Xe cơ giới thuộc đối tượng miễn kiểm định lần đầu".
2. Chủ xe không cần trực tiếp đến làm thủ tục
Việc thực hiện thủ tục đối với xe mới vẫn như trước đây, chủ xe không cần mang ô tô đến; đồng thời, có thể ủy quyền cho người khác (phải đúng theo quy định của pháp luật) mang hồ sơ đến các trung tâm đăng kiểm. Theo đó, người được ủy quyền vẫn cần mang các giấy tờ theo quy định và cung cấp bản cà số khung, số máy để trung tâm đăng kiểm dán vào hồ sơ phương tiện.
3. Giảm chi phí đăng kiểm đối với xe mới
Do không cần phải thực hiện các quy trình kiểm tra về kỹ thuật và bảo vệ môi trường, nên xe mới kiểm định lần đầu giúp chủ xe tiết kiệm chi phí này với mức dao động từ 250 - 750 nghìn đồng, tùy từng loại xe. Tuy nhiên, chủ xe sẽ vấn phải nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định như trước đây, đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng là 40.000 đồng; riêng đối với xe ô tô dưới 10 chỗ (không bao gồm xe cứu thương) là 90.000 đồng.
4. Xe mới được tự dán tem tại nhà
Theo Khoản 5 Điều 1 của Thông tư 2/2023/TT-BGTVT, đối với trường hợp xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu, chủ xe phải dán tem kiểm định lên xe cơ giới trước khi tham gia giao thông. Do đó, chủ xe đến đăng kiểm lần đầu sẽ được các trung tâm cung cấp tem kiểm định và được hướng dẫn cách tự dán chính xác tại nhà.
5. Giấy chứng nhận hoặc Tem kiểm định lần đầu bị mất/hỏng thì chủ xe phải xử lý thế nào?
Theo Khoản 4 Điều 1 của Thông tư 2/2023/TT-BGTVT, đối với xe cơ giới thuộc đối tượng miễn kiểm định lần đầu, giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định bị mất thì trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày cấp, chủ xe hoặc người được ủy quyền đến các đơn vị đăng kiểm thực hiện thủ tục để được được in lại 01 lần duy nhất.
Đối với trường hợp làm hư hỏng hoặc có sai lệch so với thông tin xe thì chủ xe mang giấy chứng nhận và tem kiểm định đã được cấp đến đơn vị đăng kiểm và thực hiện thủ tục để được in lại.
6. Trong thời gian được miễn đăng kiểm xe, chủ xe mới sẽ nộp phí sử dụng đường bộ ở đâu?
Sau khi được miễn đăng kiểm lần đầu, chủ xe mới sẽ tiếp tục nộp phí sử dụng đường bộ tại các trung tâm đăng kiểm theo quy định tại Điều 10 Chương III của Thông tư 70/2021/TT-BCT. Mức thu phí vẫn như trước với mức từ 130.000 - 1.430.000 đồng/tháng tùy loại phương tiện. Nộp xong lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định và phí sử dụng đường bộ, chủ xe sẽ được cấp 2 tem kiểm định và tem nộp phí sử dụng đường bộ để tự dán lên xe mới.
7. Ô tô sắp đến hạn kiểm định tiếp tục áp dụng theo thời hạn trên tem cũ
Theo Khoản 2 Điều 3 của Thông tư 2/2023/TT-BGTVT, các giấy chứng nhận và tem kiểm định đã được cấp trước ngày thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng đến hết thời hạn đã được ghi trên các giấy tờ trên. Do đó, thông tư này không có giá trị hồi tố nên chủ xe trong trường hợp sắp đến hạn kiểm định sẽ vẫn phải mang xe đến trung tâm đăng kiểm thực hiện các quy trình; sau đó, căn cứ vào phương tiện thực tế có năm sản xuất tới thời điểm kiểm định thuộc nhóm phương tiện nào, sẽ áp dụng chu kỳ kiểm định tương ứng.
8. Xe bán tải không được kéo dài thời hạn kiểm định
Xe bán tải (pick-up) không thuộc các loại xe được kéo dài chu kỳ kiểm định theo Thông tư 02/2023/TT-BGTVT. Do đó, xe bán tải sản xuất dưới 7 năm vẫn có thời hạn đăng kiểm chu kỳ đầu là 30 tháng và các chu kỳ sau là 18 tháng. Đối với xe đã sản xuất 7 – 12 năm là 12 tháng/1 lần, từ 12 – 20 năm là 6 tháng/1 lần và trên 20 năm là 3 tháng/1 lần. Ngoài ra, xe bán tải vẫn phải chịu niên hạn sử dụng 25 năm như trước đây.
Trong khi đó, Ford Ranger Raptor là 1 trường hợp đặc biệt. Đối với các xe sản xuất từ 2018 đến tháng 2/2022 thì sẽ được quy định là xe SUV có thùng và trong đăng kiểm sẽ ghi là xe con nên vẫn được hưởng các quy định từ Thông tư 02/2023/TT-BGTVT. Nhưng với các xe sản xuất, lắp ráp (tại Thái Lan) kể từ tháng 2/2022, Ford Ranger Raptor đã được quy định lại thành xe bán tải và sẽ không thuộc ảnh hưởng của thông tư mới.
9. Nới quy định đăng kiểm đối với đèn và bánh xe
Theo Phụ lục II của Thông tư 2/2023/TT-BGTVT, các quy định đăng kiểm đối với đèn chiếu sáng và bánh xe đã được nới lỏng hơn. Theo đó, việc lắp đèn hiện không còn quan tâm đến kiểu loại như halogen, projector, LED hay laser, mà chỉ cần đáp ứng các tiêu chí về hình dạng chùm sáng, ranh giới tối sáng... Trong khi đó, vành/lốp xe khi kiểm định cần chú ý nhiều vấn đề, trong đó một trong những yếu tố quan trọng nhất có thể đánh trượt đăng kiểm là "Không đầy đủ, không đúng thông số của lốp do nhà sản xuất xe cơ giới quy định, tài liệu kỹ thuật".
10. Duy trì quy định về chủng loại của hệ thống treo
Cũng theo phụ lục trên, quy định kiểm tra về hệ thống treo mới tiếp tục không cho phép độ các bộ phận đàn hồi như lò xo, nhíp và thanh xoắn lên bầu hơi; nội dung này cũng được áp dụng cho cả hệ thống treo khí nén. Theo đó, nếu lắp không đúng kiểu loại đối với bộ phận đàn hồi này, xe sẽ được coi bị khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng và bị đánh trượt đăng kiểm.
Hoàng Nguyễn