Việc xử phạt đối với hành vi uống rượu bia khi lái xe khác nhau tại các nước trên thế giới, nhưng có rất nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ cho phép tài xế điều khiển ô tô khi trong máu có nồng độ cồn hơn 0%.
Dành cho các bạn quan tâm:
Theo thông tin từ Preston - Nhà sản xuất các sản phẩm bảo dưỡng ô tô, các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng phổ biến các hình phạt dành cho việc lái xe sau khi đã uống rượu bia, tiêu chuẩn giúp đo lường mức độ vi phạm là Nồng độ cồn trong máu (Blood Alcohol Content - BAC) hay nồng độ cồn trong hơi thở (Breath Alcohol Content - BrAC).
Tuy nhiên, trên thế giới vẫn có tới 8 quốc gia/vùng lãnh thổ cá biệt không phạt đối với việc say khi lái xe, bất kể nồng độ cồn trong máu là bao nhiêu, những nước này gồm: Barbados, Burundi, Gambia, Guatemala, Guinea-Bissau, Quần đảo Marshalls, Niger và Paraguay.
Ngoài ra, hầu hết các quốc gia/vũng lãnh thổ khác đều áp dụng hình phạt đối với các tài xế uống rượu lái xe; tuy nhiên, nồng độ cồn trong máu để xác định xử phát tại các khu vực này lại khá đa dạng.
Việt Nam nằm trong nhóm chiếm khoảng 1/10 số lượng quốc gia/vùng lãnh thổ áp dụng luật nghiêm ngặt nhất khi xử phát tài xế lái ô tô với mức nồng độ cồn trong máu trên 0% (phát hiện nồng độ cồn là bị phạt). Trong nhóm này, hầu hết là các quốc gia hồi giáo vốn khắt khe về vấn đề uống bia rượu, cùng với một số nước khác như: Brazil, Cuba, CH Séc, Hungary, Nepal, Romania, Slovakia...
Trong khi có nhiều quốc gia khác không có thông tin về việc xử phát tài xế uống rượu bia khi lái xe, hiện còn hơn 140 quốc gia/vùng lãnh thổ đều có giới hạn xử phạt theo nồng độ cồn lớn hơn 0% (đạt đến mức nhất định mới bị phạt), chiếm hơn 70% và gần 3/4 số nước trên thế giới.
Có một số nước áp dụng xử phạt từ nồng độ cồn trong máu rất thấp, từ 0,02% như: Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Trung Quốc... Bên cạnh đó, cũng có các nước thả lỏng giới hạn nồng độ cồn trong máu hơn lên mức 0,03% như: Ấn Độ, Belarus, Bossnia & Herzegovina, Chile, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Mức giới hạn nồng độ cồn 0,05% được áp dụng tại nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ nhất, đây đều là các nước lớn và khá phát triển như: Australia, Đài Loan, Đức, Hà Lan, Italy, Hong Kong, Pháp...Cao hơn nữa là các mức 0,08% phổ biến tại nhiều bang ở Mỹ và một số nước trong khi mức 0,1% chỉ áp dụng tại Quần đảo Cayman.
Mức phạt dành cho hành vi uống rượu bia khi lái xe cũng khác nhau theo từng quốc gia và mức nồng độ cồn quá ngưỡng. Nghiêm ngặt nhất có thể kể Nhật Bản với hình thức cao nhất khi tài xế quá 0,04% có thể phải nộp tiền 10.000 USD hoặc đối mặt án tù 5 năm.
Tại Mỹ, hình phạt cho việc uống rượu bia khi lái xe sẽ tăng lên theo số lần vi phạm; nếu tái phạm lần thứ 3, người lái có thể bị phạt tiền tới 10.000 USD, án tù 2 - 10 năm và tạm giữ bằng 2 năm.
Trong khu vực Đông Nam Á, quốc đảo Singapore cũng xử lý tăng dần theo số lần vi phạm, với lần đầu phạt tiền 1.500 - 7.500 USD và có thể phạt tù 1 năm; trong khi vi phạm từ lần thứ 2 sẽ bị phạt tiền 3.700 - 15.000 USD và phạt tù không quá 2 năm.
Tại Việt Nam hiện nay, hành vi uống rượu bia khi lái ô tô chủ yếu bị phạt tiền và kèm theo việc tước giấy phép lái xe. Trong đó, nồng độ cồn dưới 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền 6 - 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng.
Nồng độ cồn trong khoảng 50 - 80 mg/100 ml máu hoặc 0,25 - 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 16 - 18 tháng; nếu vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc 0,4 mg/1 lít khí thở, tài xế sẽ bị phạt tiền 30 - 40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 22 - 24 tháng.