1. Nhập làn vào đường cao tốc quá sớm: Một lỗi mà hầu như chẳng ai biết, bởi đơn giản là… không có trong quy định bắt buộc, nhưng rất nhiều người mắc phải khi nóng lòng nhập làn cao tốc cho nhanh; sự chênh lệch lớn về tốc độ khi bạn chuẩn bị nhập làn cao tốc với xe đang đi trong cao tốc khiến phán đoán tình huống va chạm và của bạn nhiều khi không chính xác.
Chính vì vậy, hãy cố gắng đạt tốc độ tối thiểu dành cho cao tốc trước khi nhập làn (khoảng 60 km/h) để hạn chế tai nạn. Tất nhiên, nếu đằng sau không có xe thì bạn hoàn toàn thoải mái, nhưng về lâu dài, hãy tập cho mình thói quen tốt này.
2. Chuyển làn không bật đèn báo rẽ: Một lỗi sơ đẳng nhưng đã có nhiều tai nạn xảy ra với sự bất cẩn này. Nên nhớ trên cao tốc, với tốc độ 100km/h thì một chỉ va chạm nhỏ cũng dẫn đến những hậu quả vô cùng thảm khốc. Nên chuyển từng làn đường để các phương tiện khác hiểu được ý định của bạn trên đường.
3. Chuyển nhiều làn đường cùng lúc: Đây hoàn toàn không phải là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng sẽ an toàn cho bạn nếu chuyển tuần tự từng làn đường để giúp các phương tiện phía sau có thể hiểu được chủ định của bạn trên đường, tránh được sự lúng túng trong các tình huống lái xe tốc độ cao. Kinh nghiệm lái xe cho thấy, việc không "hiểu rõ" ý định của lái xe phía trước thường dẫn đến những quyết định sai lầm cho người đi sau, đôi khi còn dẫn tới cả những tai nạn đáng tiếc.
4. Không giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước: Bạn có biết, với tốc độ 80 km/h, một chiếc xe 5 chỗ phải cần khoảng 25 m để dừng lại khi đạp phanh khẩn cấp, và quãng đường này sẽ dài hơn nếu bạn đang lái một chiếc xe to hơn, nặng hơn, tốc độ đi nhanh hơn. Chính vì vậy, muốn an toàn, hãy nhớ đến việc giữ khoảng cách an toàn theo chỉ dẫn trên các con đường cao tốc.
5. Đi xe trên hai làn đường: Trong khu vực đông dân cư, việc đi trên hai làn đường nhiều khi là điều không thể tránh khỏi, do mật độ phương tiện cũng như điều kiện lưu thông, nhưng về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng kỹ năng lái xe của mỗi người và thực sự là “tai hoạ” nếu bạn đi trên đường cao tốc.
6. Đi tốc độ chậm trên làn đường bên trái: Nhiều người cho rằng, khi lái xe trên cao tốc ở dải tốc độ cho phép thì lựa chọn làn đường nào là quyền của người lái. Điều đó không sai, tuy nhiên nếu muốn giữ cho mình sự an toàn, hãy tập cho mình thói quen chỉ dùng làn ngoài cùng bên trái là LÀN ĐỂ VƯỢT; điều này chẳng khiến ai đánh giá bạn lái kém vì hành động này cả.
7. Đi quá gần với xe ở làn bên cạnh: Không lấn làn, không vượt ẩu…, nhưng việc đi qua gần với một xe làn đường bên cạnh, dù không vi phạm luật nhưng vô tình khiến các xe khác muốn vượt gặp một tình huống có khả năng cao sẽ gây ra tai nạn khi phải lách qua hai xe đi gần nhau. Nên nhớ, trên đường cao tốc, giữ an toàn cho mình nhiều khi cũng đồng hành với việc giữ an toàn cho xe khác.
8. Dừng xe trên làn khẩn cấp: Khá nhiều lái xe Việt Nam vẫn lầm tưởng và cố tình “hiểu nhầm” chức năng của làn khẩn cấp, khá nhiều người tỏ ra… khôn lỏi khi cố tình giả vờ hỏng xe, bật đèn cảnh báo, dừng xe trên làn khẩn cấp để “tâm sự” hay nghỉ ngơi. Đây là hành động hoàn toàn sai và gây mất an toàn cho chính mình; hãy chú ý các điểm dừng chân trên cao tốc hoặc các đoạn được được phép dừng xe (có biển báo) đủ an toàn.
9. Không chú ý biển hiệu nên đi quá lối rẽ: Và hậu quả của nó sẽ khiến bạn phải đi thêm hàng chục km để đến lối rẽ tiếp theo, điều này không chỉ khiến bạn thiệt hại về kinh tế, thời gian mà còn khiến bạn bị ảnh hưởng tâm lý trên cả quãng đường còn lại. Hãy tìm hiểu lối cần rẽ trên cao tốc để không bị vướng vào tình huống này.
10. Quay đầu xe trên cao tốc: Hành vi này là hậu quả của việc không tìm hiểu thông tin, đi quá lối rẽ trên cao tốc. Nếu như lựa chọn đúng là đi tiếp đến lối ra tiếp theo thì không ít tài xế Việt Nam lựa chọn một cách “không thể sai lầm hơn” khi cố tình quay đầu để đi ngược chiều trên cao tốc.
Bạn có biết: Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 16 – 18 triệu đồng cho hành vi “đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc”. Ngoài ra tài xế còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 05 tháng đến 07 tháng. Thậm chí hiện dự thảo Luật bảo đảm an toàn giao thông còn đề xuất tước GPLX ngay lập tức.