Tháng 5 vừa qua, ADAC - tổ chức nổi tiếng với các bài kiểm tra khắt khe, đã công bố kết quả nghiên cứu mới trên 160 dòng lốp từ nhiều thương hiệu khác nhau... ADAC (Allgemeiner Deutscher Automobil-Club) là tổ chức lớn nhất nước Đức về ô tô và xe máy với gần 22 triệu thành viên.
Kết quả cho thấy, lốp Michelin phát sinh lượng hạt bụi mịn từ lốp xe thấp hơn 26% so với mức trung bình của các đối thủ cùng phân khúc. Kết quả này nhất quán với nghiên cứu trước đó được ADAC công bố năm 2021, trong đó lốp Michelin cũng cho thấy mức phát thải thấp hơn 28% so với các đối thủ khác.
Tiêu chuẩn Euro 7 được thông qua vào tháng 7 năm 2024, yêu cầu đo lường toàn diện lượng hạt mài mòn do lốp tạo ra đối với mọi sản phẩm lốp được lưu hành tại thị trường châu Âu. Theo đó, các dòng lốp không đạt chuẩn sẽ bị loại khỏi thị trường. |
Kết quả này là minh chứng rõ ràng cho nỗ lực đổi mới sáng tạo của Michelin nhằm mang đến các dòng lốp đạt hiệu suất bền vững trong suốt vòng đời sử dụng, duy trì tuổi thọ vượt trội, đồng thời giảm phát sinh hạt vi nhựa từ lốp xe và tối ưu hóa mức tiêu thụ nguyên vật liệu. Đặc biệt, các điều kiện thử nghiệm của ADAC vẫn đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn an toàn vận hành, cho thấy kết quả giảm phát thải này hoàn toàn có thể áp dụng trong điều kiện thực tế.
Chỉ tính riêng tại châu Âu, ước tính có khoảng 500.000 tấn hạt bụi mịn từ lốp xe và mặt đường bị phát tán ra môi trường mỗi năm.
Michelin cho biết: Trong hơn hai thập kỷ qua đã liên tục đầu tư nghiên cứu về phương pháp nhằm giảm thiểu hiện tượng mài mòn xảy ra do quá trình lốp tiếp xúc trực tiếp với mặt đường. Nhờ những đổi mới kỹ thuật, từ năm 2015 đến 2020, Michelin đã cắt giảm 5% lượng hạt bụi phát sinh từ các sản phẩm của mình, con số này tương đương với việc 100.000 tấn hạt bụi đã không bị phát tán ra môi trường trong vòng 5 năm. Trong tương lai gần, Michelin tiếp tục đặt mục tiêu nâng cao con số này, như một phần trong cam kết sâu sắc về phát triển bền vững.
Michelin đã đầu tư mạnh vào hoạt động R&D nhằm nghiên cứu chuyên sâu về hiện tượng mài mòn của lốp, riêng trong năm 2024, con số đầu tư lên đến 786 triệu Euro. Tập đoàn đồng thời phát huy thế mạnh trong việc làm chủ công nghệ vật liệu và chiến lược thiết kế, vốn từ lâu đã đặt ưu tiên vào việc tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu.
Cuối năm 2023, Michelin công bố hợp tác thành lập phòng thí nghiệm BioDLab cùng với Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS) và Đại học Clermont Auvergne với mục tiêu chính là nghiên cứu khả năng phân hủy sinh học của hạt bụi mịn từ lốp, đồng thời phát triển các công cụ giúp những hạt này được hấp thụ và xử lý tự nhiên.
Thông qua nghiên cứu, Michelin đang tập trung làm rõ cơ chế mài mòn lốp và khả năng phân hủy của các hạt phát sinh. Mục tiêu là giảm phát thải, đồng thời đưa ra lời giải khoa học xác đáng và phát triển giải pháp kỹ thuật có thể triển khai thực tế. Toàn bộ quá trình này đòi hỏi chiến lược đầu tư lâu dài, có chiều sâu và nhất quán.