Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ được thông qua sáng 27/6 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã thống nhất phương án cấm nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông.
Theo đó Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ có 9 chương, 89 điều quy định về nguyên tắc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; quy tắc giao thông đường bộ; các hành vi bị nghiêm cấm...
Cụ thể, Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ quy định 28 hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông bao gồm: cấm điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ không có giấy phép lái xe theo quy định; cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng…
Các hành vi khác trong khi tham gia giao thông cũng được quy định rõ bao gồm Cấm xúc phạm, đe dọa, cản trở, chống đối hoặc không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn, yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ cũng quy định Cấm đua xe, tổ chức đua xe, xúi giục, giúp sức, cổ vũ đua xe trái phép; điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ lạng lách, đánh võng, rú ga liên tục; cấm dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ.
Cấm chở hàng hóa vượt quá khối lượng toàn bộ; chở hàng hóa trên xe phải chằng buộc đúng quy định; cấm chở quá số người theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Luật cũng cấm sản xuất, sử dụng, mua, bán trái phép biển số xe; điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng gắn biển số xe không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, gắn biển số xe không đúng vị trí; bẻ cong, che lấp biển số xe; làm thay đổi chữ, số, màu sắc, hình dạng, kích thước của biển số xe.
Các hành vi bị cấm được quy định tại Luật này cũng bao gồm việc không khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không đúng sự thật để trốn tránh trách nhiệm khi bị phát hiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông đường bộ để trốn tránh trách nhiệm; khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông đường bộ; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn, người gây tai nạn giao thông đường bộ hoặc người giúp đỡ, cứu chữa, đưa người bị nạn đi cấp cứu.... đều là những hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Luật này.
Một nội dung đáng chú ý đối với người dân là việc Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ bổ sung quy định về điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe (GLPX); Mỗi GPLX sẽ có 12 điểm hàng năm và bị trừ dần trên hệ thống quản lý theo mỗi lỗi vi phạm; khi hết điểm, bằng lái sẽ không có hiệu lực nữa và người lái sẽ phải thi sát hạch lại để lấy GPLX mới. Số điểm của từng GPLX sẽ được làm mới mỗi năm. |
Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ cũng quy định cụ thể về tốc độ và khoảng cách giữa các xe; sử dụng làn đường; vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt; dừng xe, đỗ xe; mở cửa xe; sử dụng đèn; sử dụng tín hiệu còi; cấp, đổi, cấp lại và thu hồi giấy phép lái xe; căn cứ dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát; biện pháp phát hiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ...