TMT Motors - nhà phân phối xe Wuling Mini EV lỗ 99 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024. Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 120,7 tỷ đồng khiến công ty bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.
CTCP Ô tô TMT (TMT Motors - HoSE: TMT) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2024 đã kiểm toán, ghi nhận khoản lỗ cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Cụ thể, doanh thu thuần đạt 1.323 tỷ đồng, nhưng giá vốn gần như tương đương, khiến lợi nhuận gộp "siêu mỏng" chỉ còn 9,7 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí lãi vay (47,9 tỷ đồng), chi phí bán hàng (28,9 tỷ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp (34,1 tỷ đồng) và các chi phí khác, TMT Motors lỗ sau thuế 99 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30/6, quy mô tài sản của công ty là 1.500,9 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm phần lớn với 825,5 tỷ đồng (tương đương 55%). Nguồn vốn chủ yếu đến từ nợ phải trả, với tổng nợ là 1.162,3 tỷ đồng, trong đó vay nợ 570,9 tỷ đồng, vượt quá vốn chủ sở hữu chỉ 338,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, kiểm toán đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của TMT Motors do nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 120,7 tỷ đồng.
TMT Motors có bề dày kinh nghiệm trong việc cung ứng các dòng xe tải Cửu Long, Tata, Howo, DFSK, và TMT, từ 900kg đến 40 tấn, với hệ thống đại lý ủy quyền trên toàn quốc.
Năm 2023, công ty đã hợp tác với SAIC GM WULING AUTOMOBILE (Trung Quốc) để phân phối mẫu xe điện Wuling MiniEV, mẫu xe bán chạy nhất thế giới các năm 2021 và 2023. Ngay sau đó, dây chuyền lắp ráp xe điện giai đoạn 1 với công suất 30.000 xe/năm tại tỉnh Hưng Yên đã được hoàn thành, giai đoạn 2 dự kiến sẽ nâng công suất lên 60.000 xe/năm.
Nhà phân phối xe Wuling từng đặt mục tiêu bán hơn 5.000 xe điện Mini EV tại Việt Nam trong năm 2023, nhưng doanh số thực tế chỉ đạt gần 600 xe. Trong năm 2024, mục tiêu của hãng đã giảm xuống còn hơn 1.000 chiếc. Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của hãng là VinFast VF3 đã bán được 27.000 xe chỉ sau 3 ngày mở bán.
Theo Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán