Ô tô điện ra đời không chỉ đơn thuần là tạo ra một phương tiện di chuyển mới, mà ở cấp quản lí vĩ mô, còn là cơ hội để một nền công nghiệp ô tô non trẻ có thể thu hẹp khoảng cách về công nghệ, năng lực sản xuất với các nền công nghiệp ô tô phát triển trên thế giới như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ... Vậy Chính phủ các nước trong khu vực ASEAN đang làm gì để hỗ trợ cho một nền công nghiệp mới và tiềm năng này?
Thái Lan - thị trường ô tô lớn nhất ASEAN, không phải nằm ở số lượng xe lăn bánh hàng năm mà là ở con số xe xuất xưởng hàng năm bởi đây là nơi các thương hiệu xe lớn trên toàn thế giới "đóng đô", cung cấp xe cho toàn khu vực và cả các thị trường lân cận. Với lịch sử nền công nghiệp ô tô trả dài hàng chục năm, vậy Chính phủ nước này đã có động thái gì để củng cố vị thế, đón nhận làn sóng xe điện đang phát triển trên toàn thế giới?
Theo trang tin The Nation - Supattanapong Pumeechaow, Bộ trưởng năng lượng Thái Lan đã tiết lộ chi tiết về kế hoạch này sau cuộc họp của ủy ban chính sách xe điện quốc gia. Theo kế hoạch mới nhất vừa được công bố, Thái Lan đặt ra mục tiêu đưa xem điện (EV) chiếm 30% sản lượng ô tô vào năm 2030.
Lộ trình phát triển xe điện của Quốc gia này sẽ được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ kéo dài từ nay đến năm 2022, chính phủ sẽ thúc đẩy xe máy điện và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn quốc. Giai đoạn 2 sẽ bắt đầu từ năm 2023 – 2025, dự kiến tăng cường việc sản xuất ô tô điện EV với mức sản lượng kỳ vọng là 225.000 ô tô và xe bán tải chạy điện, 360.000 xe máy, 18.000 xe buýt/xe tải và cả việc phát triển dây chuyền sản xuất pin điện nội địa. Theo đó, giai đoạn này sẽ mang lại lợi thế cho toàn ngành công nghiệp EV khi giảm thiểu được chi phí thông qua lợi thế về quy mô. Từ năm 2026 đến năm 2030 sẽ là giai đoạn 3, Thái Lan sẽ áp dụng “chính sách 30/30”. Quốc gia này đặt mục tiêu sẽ sản xuất 725.000 ô tô điện và xe bán tải điện; 675.000 xe máy điện (30% sản lượng) sau khi kết thúc giai đoạn này.
Chính phủ nước này đã thống nhất mục tiêu: “50% ô tô sản xuất và phân phối tại Thái Lan từ năm 2030 sẽ là xe sử dụng động cơ điện.” Theo đó, Thái Lan sẽ sản xuất 1,051 triệu xe điện vào năm 2025 bao gồm: 400.000 ô tô, xe bán tải; 620.000 xe máy và 31.000 xe buýt, xe tải chạy điện. Và con số này có thể sẽ tăng gấp 6 lần vào năm 2030.
Các doanh nghiệp sản xuất ô tô điện được hưởng ưu đãi của Ủy ban Đầu tư (BOI) Thái Lan sẽ được miễn thuế trong khoảng thời gian 1/1/2020 đến 31/12/2022 và tiếp tục được hưởng mức thuế 2% từ sau 31/12/2022; trong khi đó, mức thuế thông thường là 10%, trong khi các dòng xe có dung tích phát, phát thải CO2 nhiều sẽ có mức thuế lên tới 50%.
Cùng với đó, Chính phủ Thái Lan đã quy định về các linh kiện được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong 8 năm bao gồm pin, mô-tơ, hệ thống sạc thông minh, bộ chuyển đổi AC/DC, động cơ điện, phần mềm quản lý pin, bộ biến tần, bộ sạc điện di động và bộ ngắt mạch điện. Với cách làm này, Chính phủ Thái Lan đang hy vọng biến ngành công nghiệp xe hơi thành thế mạnh của nước này trước sự cạnh tranh đi lên ngày càng mạnh mẽ của Indonesia, đất nước có mỏ tài nguyên nikel trữ lượng lớn phục vụ công nghiệp sản xuất pin.
Hiện tại ở Thái Lan, thuế TTĐB áp dụng cho nhóm xe du lịch (từ 9 chỗ trở xuống) có mức phát thải CO2 dưới 100 g/km, xe điện, xe dùng pin nhiên liệu là 10%..., các dòng xe có mức phát thải từ 100g/km đến 150g/km có mức thuế TTĐB là 20 - 30%; và dưới 200 g/km là 25 - 35%, mức thuế cũng tăng lên khá nhiều; trên 200 g/km là 30 - 40%, trong khi các dòng xe lớn sẽ có mức thuế TTĐB là 50%.
Đi kèm với kế hoạch này, chính phủ Thái Lan sẽ bỏ tiền xây dựng 12.000 trạm sạc nhanh trên toàn quốc, bên cạnh các trạm sạc do các hãng tự xây dựng. Đối với người tiêu dùng, hàng loạt chính sách hỗ trợ trực tiếp sẽ được triển khai; hỗ trợ chi phí sở hữu (ưu đãi mua xe, hỗ trợ lắp đặt trạm sạc tại nhà - chuyển đổi 1 pha sang 3 pha...), hỗ trợ chi phí vận hành (chi phí cầu/đường, bãi đỗ...)
Thái Lan tuyên bố sẽ ngừng bán ô tô sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2035.o