Với bán tải có giá trên 900 triệu đồng nhằm thu hút khách hàng ưa thích trải nghiệm, liệu Mitsubishi Triton Athlete thế hệ mới có đủ khả năng để cạnh tranh với Toyota Hilux Adventure và đặc biệt là phiên bản cao cấp của Ford Ranger hay không?
Dành cho các bạn quan tâm:
Cạnh tranh trong phân khúc bán tải tại Việt Nam chưa bao giờ đơn giản khi phải đối mặt với "ông kẹ" Ford Ranger, nên Mitsubishi Triton thế hệ mới với nhiều thay đổi cũng phải nhắm đến cạnh tranh Toyota Hilux trong thời gian gần do khó có thể vượt qua được bán tải của Ford khi sự so sánh và cân nhắc sẽ luôn được khách hàng chú ý khi mua xe mơi.
Phiên bản cao cấp nhất của Mitsubishi Triton được nâng cấp mạnh mẽ trong đợt này với nhiều trang bị an toàn cùng hệ thống truyền động mới, hứa hẹn đem lại trải nghiệm cao cấp hơn cho khách hàng, đây sẽ là con bài chủ lực của hãng xe Nhật Bản nhắm đến việc đối đầu trực tiếp cùng Ford Ranger Wildtrak và Toyota Hilux Adventure.
Mức giá của Mitsubishi Triton phiên bản cao cấp nhất đang khá dễ chịu so với các đối thủ, thấp hơn tới 75 triệu đồng so với Toyota Hilux Adventure và 55 triệu đồng so với Ford Ranger Wildtrak. Tuy nhiên, mẫu bán tải Ford được lắp ráp trong nước nên sẽ hưởng hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ đến hết tháng 11 tới, giúp giảm vài chục triệu đồng giá lăn bánh.
Kích thước cơ bản của các mẫu xe này có sự chênh lệch không quá nhiều, nhưng đáng chú ý là trục cở sở của Ford Ranger lên tới 3.270 mm, cho không gian bên trong sẽ lớn hơn, trong khi khoảng sáng gầm của Toyota Hilux lớn nhất cho khả năng đi đường gồ ghề tốt. Cả ba mẫu xe đều có đường kính bánh mâm 18 inch, cùng với hệ thống treo trước dạng độc lập tay đòn kép và treo sau dạng nhíp lá phổ biến trên các xe bán tải. Dễ dàng nhận thấy thùng xe Triton mới có kích thước khá lớn khi so sánh với các đối thủ, cho khả năng chở đồ tốt, nhưng tiện ích phía sau thùng xe của Ford Ranger Wildtrak cũng rất đáng kể.
Hệ thống truyền động của Mitsubishi Triton Athlete được nâng cấp mạnh mẽ lên máy dầu 2.4L tăng áp kép, cho công suất tối đa 201 mã lực và mô-men xoắn 470 Nm, nhưng con số này vẫn nằm ở mức thấp hơn 2 đối thủ còn lại; đồng thời, xe tiếp tục sử dụng hộp số tự động 6 cấp chưa quá đột biến, nhưng đã được bổ sung 7 chế độ lái trên các điều kiện địa hình riêng biệt - một bổ sung đáng giá đối với người ưa trải nghiệm offroad.
Trong khi đó, Toyota Hilux Adventure được trang bị cỗ máy dung tích lớn nhất nhưng chưa cho sức mạnh tương xứng, cùng với trợ lực lái dạng thủy lực sẽ không làm hài lòng nhiều khách hàng. Hệ thống truyền động vẫn là ưu điểm lớn nhất của Ford Ranger Wildtrak với nhiều trang bị mang đến cả công suất và mô-men xoắn cao cùng với các tính năng hỗ trợ vượt địa hình tốt.
Vê tiện nghi, Mitsubishi Triton Athlete mới được bổ sung khá hợp lý và hài hòa về các trang bị ở bên ngoài và bên trong, đáng chú ý nhất có lẽ là nội thất bọc da kết hợp da lộn, hệ thống đèn LED toàn bộ; trong khi Toyota Hilux sở hữu hệ thống giải trí đáng chú ý với 9 loa JBL cao cấp hơn hẳn cùng hộp làm mát khá độc đáo trong phân khúc.
Ford Ranger Wildtrak lại có ưu thế với màn hình cỡ lớn nhất được đặt theo chiều dọc, cùng tính năng phanh tay điện tử độc nhất so với các đối thủ cùng với nhiều tiện ích dành cho thùng xe như: Tích hợp bậc lên xuống, ổ cảm điện 12V và 230V và khả năng nâng hạ thùng có trợ lực.
Dễ nhận thấy Mitsubishi muốn người tiêu dùng tập trung sự chú ý đến các tính năng an toàn trên Triton Athlete mới với hàng loạt tính năng hỗ trợ lái xe, đặc biệt là gói công nghệ an toàn đầu tiên trong tầm giá này là Mitsubishi Motors Safety Sensing gồm 6 tính năng khác nhau, đồng thời còn bổ sung thêm hệ thống kiểm soát vào cua chủ động (AYC).
Đây là những ưu thế của xe khi so sánh với 2 đối thủ còn lại, nhưng Ford Ranger Wildtrak và Toyota Hilux Adventure cũng có khá đa dạng các tính năng an toàn và hỗ trợ người lái khác nhau, đặc biệt là cùng có khả năng cảnh báo và hạn chế va chạm phía trước rất cần thiết hiện nay, cùng với các trang bị camera toàn cảnh, cảm biến hỗ trợ cả trước và sau cùng 7 túi khí.
Tóm lại, Mitsubishi Triton Athlete thế hệ mới đã tìm ra một lợi thế để bám theo trên con đường cạnh tranh trong phân khúc xe bán tải tầm giá 900 triệu đồng, chính là đẩy mạnh về hệ thống an toàn cùng với giá bán hợp lý, trang bị về tiện ích và hệ thống truyền động không thua kém đối thủ, điều này sẽ tiếp tục giúp hạng thu hút đáng kể lượng khách hàng phổ thông hơn nhưng vẫn có nhu cầu tiếp cận và trải nghiệm khả năng vượt địa hình tốt của một mẫu bán tải.
Toyota Hilux Adventure sẽ là một lựa chọn cần cân nhắc khi có giá bán quá cao so với các đối thủ khác, trang bị không quá đặc biệt, những yếu tố khó tạo nên động lực cho khách hàng "móc hầu bao" nếu không có ưu đãi lớn. Trong khi đó, Ford Ranger Wildtrak vẫn sẽ là lựa chọn hợp lý với các dân chơi bán tải, nếu sành sỏi và nhắm đến các mục đích cụ thể hơn nữa, nhiều người sẽ lựa chọn các phiên bản Stormtrak hay nâng hẳn lên Ranger Raptor.