Các mẫu xe Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam và trở thành đối thủ đáng gờm ở phân khúc xe bình dân khi giá bán tương đương nhưng trang bị nhiều hơn, độ hoàn thiện tốt hơn… Và nếu không có hạn chế về chất lượng chưa được kiểm chứng và hệ thống đại lý chưa rộng khắp, chắc chắn các mẫu xe này sẽ chia lại thị phần ở các phân khúc xe giá rẻ. Câu chuyện Mitsubishi Xforce và Lynk & Co 06 là một ví dụ.
Dành cho các bạn quan tâm:
Trước khi Lynk & Co 06 chính thức tiến vào Việt Nam, phân khúc SUV đô thị vốn đã có rất nhiều mẫu xe đang cạnh tranh, mức giá dao động từ 500 - 900 triệu đồng với đầy đủ kích cỡ, điều này khiến mọi mẫu xe muốn gia nhập phân khúc đều phải có những ưu điểm riêng và hấp dẫn người tiêu dùng trong nước.
Dẫn đầu trong số các SUV đô thị từ đầu năm đến nay là Mitsubishi Xforce, dễ hiểu khi Lynk & Co 06 được mang ra so sánh với mẫu xe đầu bảng này dù được nhà phân phối định hướng ở phân khúc cao cấp. Với tầm giá 700 triệu đồng, phiên bản Ultimate của Mitsubishi Xforce chắc chắn sẽ là đối thủ hợp lý của đại diện Trung Quốc hiếm hoi hiện có trong phân khúc SUV đô thị.
Cả hai mẫu xe đều được nhập khẩu nhưng từ các thị trường khác nhau, nhưng Lynk & Co 06 phải chịu mức thuế cao hơn trong thời điểm hiện tại so với một mẫu xe sản xuất trong khu vực ASEAN được miễn thuế nhập khẩu. Điều này một phần phản ánh giá bán của Mitsubishi Xforce rẻ hơn so với đối thủ Lynk & Co 06.
Kích thước của Lynk & Co 06 có phần nhỏ hơn, đặc biệt là chiều dài tổng thể, trục cơ sở và khoảng sáng gầm xe; đồng thời, trọng lượng của xe khá lớn và bán kính vòng quay tối thiểu lên tới 5,5 mét nên sẽ có một số khó khăn khi di chuyển trong khu vực đô thị hơn so với đối thủ. Bù lại, mẫu xe này có hệ thống treo sau độc lập đa điểm nên sẽ cho cảm giác êm ái hơn hẳn dạng thanh xoắn của Mitsubishi Xforce.
Về sức mạnh, chắc chắn Lynk & Co 06 sẽ có lợi thế hơn nhờ động cơ 1.5L tăng áp với công suất tối đa tới 178 mã lực và mô-men xoắn cực đại 290 mã lực, đây có lẽ cũng là mẫu SUV đô thị mạnh nhất trong phân khúc. Trong khi đó, Mitsubishi tập trung cho Xforce vào đối tượng khách hàng không có yêu cầu cao về vận hành, cần sự cân bằng về vận hành và chi phí sở hữu, chính vì vậy động cơ 1.5L hút khí tự nhiên quen thuộc (tương tự Xpander) là lựa chọn không thể khác đối với mẫu xe Nhật Bản này. Mitsubishi còn một động cơ nhỏ hơn - giá rẻ hơn là loại I3 1.2L hiện đang trang bị cho chiếc Attrage, nhưng rõ ràng đây là lựa chọn kém cạnh tranh ở phân khúc urban-SUV nên không có gì là quá ngạc nhiên khi Xforce không sử dụng động cơ này.
Ngoài ra, đại diện từ Trung Quốc cũng được trang bị hộp số tự động ly hợp kép 7 cấp dạng ướt, tận dụng tốt động cơ mạnh mẽ, sự kết hợp sẽ mang đến khác biệt hoàn toàn so với đối thủ Nhật Bản chỉ sử dụng hộp số tự động vô cấp. Các trang bị còn lại đều có mức tương đương nhau ở cả hai mẫu xe với dẫn động cầu trước và 4 chế độ lái.
Trang bị tiện ích cũng được nhà sản xuất chú ý và mang đến cho Lynk & Co 06 khá dồi dào, nhưng Mitsubishi Xforce không quá kém cạnh, thậm chi phiên bản Ultimate cao cấp nhất cũng sở hữu một số trang bị vượt trội hơn, điển hình là 8 loa Yamaha, sạc không dây cũng như đèn nội thất đồng thời là cốp đóng mở điện rảnh tay.
Trong khi đó, Lynk & Co 06 được chú trọng về tính thể thao với lẫy chuyển số sau vô lăng, bổ sung cửa sổ trời toàn cảnh cho không gian mở tốt hơn cùng với cụm đồng hồ kỹ thuật số với kích thước tới 10,25 inch. Đương nhiên, đây là những thứ được các hãng xe Trung Quốc làm rất tốt, bất ngờ chính là ở việc Mitsubishi Xforce cũng mang lại khả năng khá tương đồng.
Về an toàn, dù là phiên bản cao cấp nhất và cũng bổ sung một số tính năng tiên tiến ADAS nhưng Mitsubishi Xforce Ultimate chưa thể so sánh với đối thủ từ Trung Quốc, đặc biệt về khả năng hỗ trợ lái.
Lynk & Co 06 sở hữu hàng loạt trang bị hiện đại hỗ trợ cảnh báo, giữ và chuyển làn đường; cùng với đó là các tính năng khác như cảnh báo phương tiện tới gần, cảnh báo mở cửa, hỗ trợ chống lật và bảo vệ khi lật, hỗ trợ hình ảnh khi xe, camera 360 độ và quan sát gầm 180 độ...
Có thể nói, Lynk & Co 06 đang sở hữu hàng loạt trang bị hiện đại, đặc biệt mạnh mẽ về hệ thống động cơ cũng như an toàn, những thứ sẽ mang lại ấn tượng cho khách hàng trong giai đoạn đầu tiếp xúc với xe. Điều này cũng là những ưu điểm không quá bất ngờ được các mẫu xe Trung Quốc mang lại, và đây sẽ là lựa chọn phù hợp cho các người dùng có nhu cầu mua xe cỡ nhỏ với giá bán không quá cao nhưng có thể trải nghiệm đầy đủ tính năng như những ô tô trong phân khúc giá cao hơn. Tuy nhiên, chất lượng vẫn cần thời gian để kiểm chứng, trừ các khách hàng không quá quan tâm để mục tiêu là một mẫu xe "ăn chắc mặc bền".
Ngược lại, Mitsubishi Xforce vẫn tiếp tục chiến lược trước đây đã áp dụng cho Xpander, một mẫu xe không quá vượt trội về số lượng trang bị nhưng phục vụ đầy đủ nhu cầu của khách hàng, rộng rãi bên trong, ổn định khi sử dụng và mức giá bán phù hợp. Đây cũng là giá trị tốt nhất xe mang lại cho thị trường Việt Nam, giúp xe vẫn đang dẫn đầu phân khúc SUV đô thị trong năm 2024.