Quay trở lại với phân urban-SUV với sự ra đời của Xforce, Mitsubishi kỳ vọng đây sẽ làm mẫu xe giúp hãng lấy lại những thành công như đã từng có với Xpander với thiết kế mới, đa dụng và giá cả phải chăng.
Dành cho các bạn quan tâm:
Ra đời với mục đích thay thế cho mẫu Outlander Sport vốn không có được những thành công vì rào cản về xuất xứ (từ Nhật Bản), về thiết kế (già nua)…, Mitsubishi giờ đây quyết tâm trở lại phân khúc urban-SUV với mẫu Xforce hoàn toàn mới – một mẫu xe được khai sinh dành riêng cho các thị trường mới nổi, và đương nhiên với những thay đổi tích cực hơn.
Thiết kế mới nhưng mang nhiều kế thừa
Được ra đời dành riêng cho thị trường ASEAN, do đó Mitsubishi Xforce được định hình là một mẫu xe bình dân giá rẻ, phục vụ các nhóm đối tượng trẻ mới mua xe lần đầu và đương nhiên phục vụ được nhu cầu đa dạng; là phương tiện di chuyển và cũng là sự lựa chọn khi đi du lịch.
Chính vì vậy, Xforce thừa hưởng nhiều thành công về thiết kế đã được minh chứng bằng doanh số từ mẫu MPV 5+2 là chiếc Xpander; những đường nét ở đèn pha, đầu xe và đèn hậu tiếp tục kế thừa Ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield, đèn LED ban ngày…
Trong khi đó, ở các trang bị trong xe, có vẻ Mitsubishi Xforce tập trung nhiều vào khách hàng nam, thích cầm lái hơn là khách hàng nữ. Và điều này dễ dàng nhận ra khi Mitsubishi đưa hết những đặc trưng giao diện của chiếc Pajero làm nên tên tuổi của mình lên chiếc urban-SUV này.
Mitsubishi Xforce có hệ thống hiển thị tình trạng vận hành nhiều đến mức… mất tập trung lái nếu như người lái mới; thông tin độ dốc, độ nghiêng, thậm chí cả độ cao/la bàn (quá lố cho một chiếc urban-suv), mức độ chân ga, lực kéo… đó là chưa kể góc đánh lái, sự can thiệp của chế độ vận hành, lực kéo…, những hiển thị quá rối rắm cho một chiếc xe chủ yếu vận hành trong thành phố.
Một hệ truyền động quen thuộc nhưng có khác biệt
Mitsubishi Xforce kế thừa động cơ 1.5L Mivec và hệ thống dẫn động cầu trước (đương nhiên với một mẫu xe nhỏ giá rẻ) cùng sức mạnh 105 mã lực và momen xoắn cực đại 141 Nm từ chiếc Xpander và rõ ràng hiệu suất của Xforce (1.210 – 1.250 kg) sẽ tốt hơn so với chiếc MPV 5+2 (từ 1.235 – 1.265 kg).
Tuy nhiên khác biệt ở việc Xforce sử dụng hộp số tự động vô cấp CVT lại mang tới những khác biệt, có cả ưu thế lẫn nhược điểm. Hộp số CVT mang lại cho Xforce sự vận hành êm ái, tiết kiệm nhiên liệu (6,18 – 6,51 L/100km) so với hộp số tự động 4 cấp trên Xpander (7 – 7,1 L/100km – thông số MMV). Nhưng kèm theo đó, hộp số CVT này không được lực kéo tốt ở dải vòng tua đầu, như chiếc MPV – Xpander có được.
Mặc dù vậy, hệ thống treo, sự cân bằng và ổn định khi vận hành nhờ tác động của hàng loạt cải tiến (từ giảm xóc trên Xpander), đặc biệt sự can thiệp nhiều của hệ thống điện tử… cũng sẽ là lợi thế của Xforce.
Nói cách khác, Xforce sẽ không mang lại sự phấn khích khi đạp ga khởi hành, hoặc đơn giản là tư duy thiết kế của một chiếc xe vận hành chủ yếu trong đô thị sẽ không cần quá nhiều lực kéo tốt ở giai đoạn ban đầu. Và cũng chính vì vậy, bạn đừng thắc mắc vì sao Xforce không có chế độ lái Thể thao (Sport).
Ưu thế: Chế độ vận hành đường trơn trượt với hệ thống AYC
Lần đầu tiên trên một mẫu xe nhỏ, Mitsubishi Xforce hệ thống kiểm soát an toàn khi vào cua mang AYC (Active Yaw Control) Hệ thống này dựa vào gia tốc, góc nghiêng của xe khi vào cua, kết hợp với tính năng ABS và cân bằng điện tử để tính toán, tác động lực phanh tự động lên bánh xe (trong góc cua) giúp kiểm soát thân xe tốt hơn.
Cùng với thế mạnh này (hệ thống AYC), Mitsubishi cung cấp cho Xforce nhiều chế độ lái phù hợp đa địa hình hơn; đường sỏi đá, bùn đất hay trơn trượt.
Đặc biệt, với chế độ lái đường ướt (Wet), hệ thống điều khiển sẽ tác động mạnh vào nhiều thiết bị trên xe để đảm bảo người lái tránh được việc trơn trượt, mất lái khi di chuyển trong điều kiện đường ngập nước hay ngập nước, mất độ bám.
Khi lựa chọn chế độ này, hệ thống sẽ phối hợp kiểm soát lực kéo động cơ, độ nhạy chân ga/tay lái, AYC để tác động lực phanh các bánh, để chiếc xe đảm bảo đi đúng hướng lái. Đây là tính năng mà các đối thủ cùng phân khúc chưa có (hoặc chưa tích hợp) và điều này mang lại lợi thế cạnh tranh lớn cho Mitsubishi Xforce.
Những trang bị cho khách hàng trẻ
Nhưng sẽ chưa phải là hệ thống âm thanh Yamaha với 8 loa, hệ thống điều khiển hành trình thích ứng, đèn pha tự động, hệ thống cảnh báo và giảm thiểu va chạm trước, hệ thống cảnh báo phương tiện phía trước khởi hành (gói công nghệ hỗ trợ lái chủ động ADAS mà Mitsubishi đặt tên là e-Assist)…, đây là các trang bị thiết bị cao cấp của Mitsubishi, sẽ chỉ trang bị trên phiên bản cao cấp nhất Xforce Ultimate bởi vì lý do đơn giản, sẽ đội giá thành lên cao (so với mức 699 triệu đồng khi ra mắt của phiên bản Premium)
Và chính vì thế, bản Ultimate chưa có mặt tại Việt Nam, một động thái “nghe ngóng” thị trường trước khi chính thức đặt hàng tại Indonesia.
Vậy đâu sẽ là trang bị “hợp thời” cho các khách hàng trẻ? Mitsubishi Xforce Premium (phiên bản cao cấp nhất hiện tại) sẽ là màn hình trung tâm 12,3 inch có độ nét cao, hệ thống giải trí với kết nối/sạc điện thoại không dây tương thích cả Apple Carplay và Android Auto. Hàng ghế thứ 2 có cả cửa gió, sạc USB type A/C…
Ngoài ra, để tăng thêm “kịch tính” khi lái xe các tài xế trẻ, một hệ thống “Chấm điểm lái xe” tương tự như… chấm điểm hát Karaoke sẽ được trang bị trên Mitsubishi Xforce – sẽ là những món gia vị tuy giá trị thực tiễn chưa khẳng định, nhưng chắc chắn sẽ là điều mà “các Tài mới” hứng thú.
Động cơ êm - Cách âm chưa đáng tự hào
Động cơ 1.5L Mivec trên Mitsubishi Xforce hoạt động khá êm ái. Tại chế độ vận hành không tải 800 vòng/phút, độ ồn được hạn chế khá nhiều trong khoang lái, thậm chí hoàn toàn có thể so sánh với các mẫu xe ở ở phân khúc cao hơn, dùng động cơ lớn hơn. Và ngay cả các vị trí tiếng ồn có thể ảnh hưởng nhiều như đầu xe, khoang động cơ, tiếng ồn của động cơ này chấp nhận được.
Tuy nhiên, độ ồn từ bộ lốp Dunlop (nhập khẩu từ Indonesia) khi vận hành trên đường (tiêu chuẩn quốc lộ), đã vọng vào khoang lái đã rõ hơn, từ liệu lốp cũng như từ hốc lốp vọng vào bên trong khoang lái.
Mặc dù vậy cũng ghi nhận là cho dù vận hành ở các dải tốc độ khác nhau, nhưng độ ồn vọng vào không tăng lên nhiều, thậm chí ở tốc độ 80 km/h, tiếng gió vọng vào cũng không quá lớn.
(*) Tham khảo thông số trong ảnh đính kèm
Nhập khẩu làm hạn chế khả năng cung ứng?
Mitsubishi Xforce tiếp tục được nhập khẩu từ Indonesia, như Xpander và chính điều này khả năng cung ứng của Mitsubishi Việt Nam (MMV) bị đặt dấu hỏi trước nhu cầu của khách hàng, bởi với thị trường Việt Nam – “Đợi chờ” không phải là một đặc tính vốn có. Và trên thực tế, việc chậm giao xe tới khách hàng (chậm hơn so với kế hoạch gần 2 tháng) đã ảnh hưởng rất lớn tới nhu cầu mua xe của người tiêu dùng.
Mặc khác, chính điều này (nhập khẩu xe) cũng cho thấy MMV chưa thực sự tự tin với một sản phẩm hoàn toàn mới này khi chưa quyết định lắp ráp xe tại nhà máy ở Bình Dương – nơi mà trong năm 2023 mới chỉ cho ra đời 2.500 chiếc Outlander và 1.900 chiếc Xpander MT, quá ít ỏi so với công suất 30.000 - 50.000 xe năm.
Tham khảo: "Đồng giá" 599 triệu đồng - Bạn chọn Hyundai Creta, Mazda CX-3 hay Mitsubishi Xforce?