Bảng đen về gian lận thử nghiệm an toàn tại Nhật Bản không chỉ dừng lại với Daihatsu và Toyota khi vụ việc có thêm những cái tên đáng chú ý, bao gồm Honda, Mazda, Suzuki và Yamaha. Thông tin từ Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản
Sau vụ việc Daihatsu gian lận các thông số thử nghiệm an toàn, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết đã phát hiện thêm hàng loạt thương hiệu ô tô nước này cũng có hành vi tương tự, những cái tên được xướng lên lần này có Honda, Mazda, Suzuki và thương hiệu sản xuất xe máy và động cơ đốt trong - Yamaha.
Trong khi đó với Toyota, ngày 3/6 đã phải dừng vận chuyển 3 mẫu ô tô sản xuất trong nước sau khi bị phát hiện đã vi phạm các quy định về chứng nhận ô tô của chính phủ Nhật Bản do đã không tuân thủ các bước tiêu chuẩn để được cấp chứng nhận.
Theo đó, việc kiểm tra xe tại chỗ cũng sẽ sớm được các cơ quan chức năng thực hiện. Các vi phạm mới vừa được đưa ra ánh sáng sau khi Bộ Giao thông vận tải yêu cầu 85 nhà sản xuất ô tô và nhà cung ứng phụ tùng, linh kiện báo cáo các vi phạm liên quan đến đơn xin chứng nhận, vốn được đưa ra sau bê bối của Daihatsu trước đây.
Vào tháng 12/2023, Daihatsu đã thừa nhận có gian lận trong các cuộc thử nghiệm an toàn ô tô trước khi xuất xưởng, ít nhất xảy ra từ năm 1989. Sau đó, hãng đã dừng mọi hoạt động của nhà máy, các đợt vận chuyển được nối lại vào tháng 4 vừa qua sau khi chính phủ cơ bản đã dỡ bỏ lệnh cấm.
Trong vụ việc mới đây, Toyota có các mẫu Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross bị đình chỉ vận chuyển đến đại lý do báo cáo không đầy đủ dữ liệu trong các bài thử nghiệm về bảo vệ người đi bộ và hành khách trong xe. Ngoài ra, hãng cũng đang thực hiện các cuộc đánh giá nội bộ và phát hiện thêm 4 mẫu xe khác (hiện không còn được sản xuất) cũng đã được thử nghiệm với phương pháp khác với tiêu chuẩn của chính phủ.
Như một động thái quen thuộc, Chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn Toyota - Akio Toyoda - đã tổ chức một cuộc họp báo và cúi đầu xin lỗi khách hàng; đồng thời, ông cũng đảm bảo ràng các mẫu xe bị ảnh hưởng đã "vượt qua các tiêu chuẩn một cách hợp pháp".
Nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản và là nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai thế giới cho biết các đợt rà soát nội bộ cũng đã phát hiện 4 mẫu xe khác (hiện không còn sản xuất) được thử nghiệm an toàn bằng các phương pháp JNCAP khác với tiêu chuẩn của chính phủ nước này.
"Các mẫu xe đã được sản xuất và bán ra thị trường mà không qua quy trình chứng nhận đúng chuẩn. Tôi thực sự xin lỗi", ông Toyoda nói. Tuy nhiên, tình huống này khác những gian lận của Daihatsu khi một số dữ liệu thử nghiệm của Toyota sử dụng các tiêu chuẩn cao hơn mức cần thiết theo quy định.
Khi thử nghiệm va chạm với người đi bộ cho mẫu Corolla Fielder (wagon) và Corolla Axio (sedan), Toyota đã sử dụng góc va chạm 65 độ theo tiêu chuẩn JNCAP, trong khi quy định của chính phủ Nhật là góc va chạm chỉ 50 độ. Khi thử nghiệm mẫu Crown và Sienta về nguy cơ rò rỉ nhiên liệu khi xe bị đâm từ phía sau, Toyota đã dùng xe đẩy 1.800kg, nặng hơn nhiều so với tiêu chuẩn chỉ 1.100kg của MLIT. |
JNCAP, giống như NCAP, là tiêu chuẩn thử nghiệm va chạm tự nguyện. Tuy nhiên, để đáp ứng được cả tiêu chuẩn tự nguyện JNCP và tiêu chuẩn bắt buộc MLIT, hãng phải thực hiện ít nhất hai bài thử nghiệm. Các kỹ sư của Toyota đã không có đủ thời gian làm như vậy và chỉ nộp dữ liệu thu được từ thử nghiệm theo tiêu chuẩn cao hơn. Các kỹ sư Toyota phải tiến hành thử nghiệm để xuất xưởng khoảng 50 đầu xe mỗi năm và đã nộp hơn 7.000 báo cáo trong 10 năm qua.
Vụ việc gian lận dữ liệu thử nghiệm an toàn này còn có thêm một diễn biến mới được đánh giá là "khá nghiêm trọng" khi thông tin từ Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết đã phát hiện thêm những cái tên mới có hành vi tương tự, danh sách này bao gồm Honda, Mazda, Suzuki và Yamaha
Trong số này, Honda đang là cái tên có nhiều mẫu bị ảnh hưởng nhất, với dữ liệu không chính xác vào các bài kiểm tra liên quan tới tiếng ồn và công suất động cơ của 22 mẫu xe đã bán ra thị trường, trong đó có Fit, CR-Z, Accord... Tuy nhiên, Honda cũng khẳng định rằng các mẫu xe đủ an toàn và đã đạt tiêu chuẩn chất lượng của doanh nghiệp.
Trong khi đó, Mazda tiết lộ rằng phần mềm điều khiển động cơ các xe MX-5 RF và Mazda2 đã được cài đặt lại phần mềm trong các cuộc thử nghiệm chính thức. Trong đó còn có cả các mẫu xe dừng sản xuất là các mẫu Mazda6/Atenza và Axela, "mặc dù không đúng theo tiêu chuẩn quy định nhưng đều đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn".
Về phần Suzuki, bê bối thử nghiệm chỉ liên quan tới duy nhất mẫu Alto được sản xuất trong thời gian từ năm 2014 đến 2017.
Tổng hợp