Do gặp quá nhiều khó khăn về nhiều lĩnh vực khác nhau, KTM đang chìm trong nợ nần, dẫn đến nguy cơ phá sản hiện hữu ngày càng rõ.
Dành cho các bạn quan tâm:
Pierer Mobility AG - tập đoàn quản lý KTM - cho biết các vấn đề đang tích tụ trong nhiều năm qua đã có ảnh hướng lớn đến thương hiệu, điển hình như nền kinh tế châu Âu ảm đạo, cuộc suy thoái ở Đức, lãi suất tăng cao và chi phí sinh hoạt đắt đỏ đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng ở Mỹ. Dù vẫn quyết tâm duy trì KTM nhưng phía tập đoàn cũng không thể không chấp nhận hiện thực khó khăn hiện tại.
Thực tế, tin đồn về những khó khăn của KTM đã lan truyền từ mùa hè với kết quả được báo cáo vào cuối tháng 8 cho thấy doanh thu của Pierer Mobility AG đã giảm 27% trong nửa đầu năm 2024. Trong khi đó, thu nhập trước lãi vay và thuế (EBIT) là -195 triệu euro (-204 triệu USD) so với 97 triệu (102 triệu USD) của năm trước.
Thông cáo báo chí từ Pierer Mobility AG mới phát hành đã xác nhận KTM đang nộp đơn xin "thủ tục tái cấu trúc tư pháp với quyền tự quản lý". Điều này khiến tất cả các thương hiệu trong tập đoàn bị ảnh hưởng do thương hiệu KTM đang chiếm tới 95% doanh thu của Pierer Mobility AG.
KTM đang trải qua những giờ phút khó khăn nhất trong lịch sử thương hiệu khi nhà sản xuất này không có khả năng trả nợ, KTM cũng chuẩn bị tiến hành tái cấu trúc pháp lý với hồ sơ xin phép của ban lãnh đạo đã được nộp vào ngày 29/11, các thủ tục được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong vòng 90 ngày.
Từ chối tiết lộ thông tin chi tiết, nhà sản xuất xe máy lớn nhất châu Âu chỉ cho biết rằng thủ tục bảo hộ phá sản sẽ giúp họ thay đổi để thích nghi và đảm bảo vị trí trong ngành. Tuy nhiên, tập đoàn mẹ Pierer Mobility AG tiết lộ sâu hơn khi cho biết KTM cần được tài trợ vốn lên tới hàng trăm triệu USD.
Và hy vọng tìm kiếm được nguồn chi lớn như vậy rất khó khăn nên việc phải làm thủ tục bảo hộ phá sản là tất yếu. Điều này sẽ giúp KTM có thời gian đàm phán với các chủ nợ để tìm giải pháp tốt nhất.
Quá trình tái cơ cấu của KTM thậm chí có tác động lớn gây lỗ sâu hơn khi Pierer Mobility AG đã tính toán đến việc cắt giảm nhân công và điều chỉnh sản xuất, đặc biệt là giảm sản lượng để giúp KTM cùng đối tác phân phối giải quyết tình trạng hàng tồn kho.
Tổng hợp