Lo ngại bị dính đòn “trả đũa” ba ông lớn của ngành công nghiệp ô tô của Đức là Mercedes, BMW và Volkswagen đã lên tiếng việc liên minh châu Âu tăng thuế đối với xe điện Trung Quốc nhập khẩu.
Dành cho các bạn quan tâm
Các nhà sản xuất ô tô Đức là Mercedes, BMW và Volkswagen lo ngại tới đây sẽ phải đối mặt với các biện pháp đáp trả từ Trung Quốc đối với mức thuế mới của EU đối với hàng xuất khẩu xe điện của Trung Quốc sang châu Âu. Thị trường ô tô số 1 thế giới là Trung Quốc hiện đang là trung tâm lợi nhuận chính của các công ty.
Với mức thuế nhập khẩu tăng thêm gấp bốn lần, lên tới 38% mà Liên minh châu Âu áp dụng đối với xe điện xuất khẩu sang châu Âu từ Trung Quốc đã bị các nhà sản xuất ô tô Đức chỉ trích nặng nề.
Giám đốc điều hành BMW - Oliver Zipse cho biết thuế quan của EU sẽ gây tổn hại cho các công ty châu Âu và lợi ích của chính châu Âu. Ông nói: “Chủ nghĩa bảo hộ có nguy cơ bắt đầu một vòng xoáy: Thuế nhập khẩu tăng dẫn đến sự thay đổi và có thêm các mức thuế mới, động thái này dẫn đến sự cô lập hơn là hợp tác phát triển”.
Ông O.Zipse cũng tuyên bố: “Theo quan điểm của Tập đoàn BMW, các biện pháp bảo hộ, chẳng hạn như áp dụng thuế nhập khẩu, không góp phần cạnh tranh thành công trên thị trường quốc tế”.
Giám đốc điều hành Mercedes AG - Ola Kallenius cho biết: "Chúng ta không cần gia tăng các rào cản thương mại. Chúng ta nên nỗ lực dỡ bỏ các rào cản thương mại theo tinh thần của Tổ chức Thương mại Thế giới".
Trong khi đó, đại diện tập đoàn Volkswagen cho biết mức thuế này sẽ không đạt được mục tiêu của EU là tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành ô tô châu Âu. VW cho biết: “Thời điểm đưa ra quyết định của Ủy ban EU gây bất lợi cho nhu cầu yếu hiện nay đối với xe BEV ở Đức và châu Âu. Những tác động tiêu cực của quyết định này lớn hơn bất kỳ lợi ích tiềm năng nào đối với châu Âu và đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô Đức”.
“Trợ cấp quá mức”
Để chống lại cái gọi là trợ cấp quá mức dành cho các nhà sản xuất ô tô nội địa tại Trung Quốc, Ủy ban Châu Âu cho biết họ sẽ áp dụng mức thuế bổ sung thêm từ 17,4% đối với BYD đến 38,1% đối với chủ sở hữu MG SAIC bắt đầu từ tháng 7, bên cạnh mức thuế tiêu chuẩn 10% đối với ô tô.
Các nhà sản xuất phương Tây bao gồm Tesla, BMW, Volvo và Dacia của Renault cũng sẽ phải đối mặt với thuế suất mới nếu như xuất khẩu ô tô từ Trung Quốc sang châu Âu.
Hiện tại, Tesla đang xuất khẩu Model 3 từ Trung Quốc sang châu Âu, trong khi BMW có hành động tương tự với mẫu iX3 và các dòng xe điện mang thương hiệu MINI do Trung Quốc sản xuất. Trong khi đó Mercedes AG cũng không hề thua kém với các dòng xe điện được sản xuất trong liên doanh với Tập đoàn Chiết Giang - Geely Holding.
Theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu thương mại năm 2023 của EU, mức thuế cao hơn tương đương với hàng tỷ euro chi phí bổ sung cho các nhà sản xuất ô tô vào thời điểm họ đang phải vật lộn với nhu cầu chậm lại và giá trong nước giảm.
Các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang bị thách thức bởi làn sóng xe điện giá rẻ từ các đối thủ Trung Quốc. Ủy ban Châu Âu ước tính thị phần của họ trên thị trường EU đã tăng lên 8% từ mức dưới 1% vào năm 2019 và có thể đạt 15% vào năm 2025. Ủy ban cho biết giá bán ucar các mẫu xe điện Trung Quốc này thường thấp hơn 20% so với các mẫu xe do EU sản xuất.
Một số nhà kinh tế cho biết tác động tức thời của các mức thuế bổ sung sẽ rất nhỏ về mặt kinh tế. EU đã nhập khẩu khoảng 440.000 xe điện từ Trung Quốc trong 12 tháng tính đến tháng 4, trị giá 9 tỷ euro (9,7 tỷ USD) hoặc khoảng 4% chi tiêu hộ gia đình cho xe cộ.
Và phản ứng của Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để “bảo vệ vững chắc” các quyền và lợi ích hợp pháp của mình nhưng không đề cập đến bất kỳ hành động cụ thể nào.
Hiệp hội xe khách Trung Quốc dường như ít quan tâm hơn đối với sự việc này. Tổng thư ký CPCA (China Passenger Car Association) - Cui Dongshu cho biết: “Mức thuế tạm thời của EU về cơ bản nằm trong dự đoán của chúng tôi, và điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến phần lớn các công ty Trung Quốc”.
Ông Cui cho biết: “Những công ty xuất khẩu xe điện do Trung Quốc sản xuất bao gồm Tesla, Geely và BYD vẫn có tiềm năng phát triển rất lớn ở châu Âu trong tương lai”. Và trên thực tế, các nhà sản xuất và cung cấp xe điện Trung Quốc cũng đang bắt đầu đầu tư vào sản xuất ở châu Âu để tránh thuế quan.
BYD đang xây dựng một nhà máy ô tô chở khách mới ở Hungary và Chery Automotive cho biết họ sẽ bắt đầu sản xuất ô tô tại một nhà máy cũ của Nissan ở Barcelona, Tây Ban Nha trong năm nay.
Stellantis cho biết họ sẽ sản xuất ô tô từ đối tác Trung Quốc - Leapmotor ở châu Âu và bán chúng thông qua mạng lưới bán lẻ châu Âu. Stellantis cho biết kế hoạch sẽ không bị ảnh hưởng bởi mức thuế mới.
Theo Reuters, Blomberg, Autonews