Dự thảo Nghị định vi phạm hành chính về TT ATGT ĐB của Bộ Công An quy định 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm giấy phép lái xe trong đó có 28 nhóm hành vi bị trừ hết 12 điểm, đang quan tâm trong đó có đề xuất giảm mức phạt tiền với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Dự thảo Nghị định quy định nội dung cơ bản về các hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, mức phạt tiền, mức trừ điểm giấy phép lái xe, hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm...
Hạ thấp mức phạt tiền đối với vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông
Dự thảo Nghị định đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Cụ thể
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Mức quy định hiện hành là từ 6 – 8 triệu đồng
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở... Mức quy định hiện hành là từ 2 – 3 triệu đồng
Trừ điểm Giấy phép lái xe từ ngày 01/01/2025
Đối với nội dung mức trừ điểm giấy phép lái xe, dự thảo Nghị định quy định 189 hành vi, nhóm hành vi bị trừ điểm giấy phép lái xe, với số điểm bị trừ là 2 điểm, 3 điểm, 6 điểm, 10 điểm. Và trong đó, 28 hành vi, nhóm hành vi bị trừ 12 điểm trong GPLX, bao gồm:
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
- Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ
- Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy
- Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
- Điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%
- Đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường; dùng chân điều khiển vô-lăng
- Chạy quá tốc độ trên 35km/h.
Trường hợp trong một lần trừ điểm mà số điểm bị trừ nhiều hơn số điểm còn lại của GPLX thì chỉ bị trừ hết số điểm còn lại của giấy phép lái xe.
Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông.
Dự thảo Nghị định quy định việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính; hành vi vi phạm đã bị trừ điểm giấy phép lái xe thì không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe. |
Phục hồi điểm giấy phép lái xe
Việc phục hồi điểm giấy phép lái xe được thực hiện theo quy định tại Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định sau đây:
- Phục hồi điểm giấy phép lái xe đối với trường hợp chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất.
Khi đủ thời hạn 12 tháng, người lái xe có giấy phép lái xe bảo đảm được các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì hệ thống cơ sở dữ liệu trừ điểm giấy phép lái xe sẽ tự động phục hồi đủ 12 điểm cho giấy phép lái xe đó.
- Phục hồi điểm giấy phép lái xe đối với trường hợp bị trừ hết điểm.
Người vi phạm sẽ phải tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo (quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ), khi có xác nhận của cơ quan kiểm tra về kết quả kiểm tra đạt yêu cầu thì hệ thống cơ sở dữ liệu sẽ kết nối đồng bộ dữ liệu sang hệ thống cơ sở dữ liệu trừ điểm giấy phép lái xe để phục hồi đủ 12 điểm cho giấy phép lái xe đó.