- Khi có đủ tiềm lực kinh tế, nhu cầu có một chiếc ôtô để phục vụ gia đinh và công việc là rất cần thiết; tuy nhiên, làm thế nào để có thể sáng suốt lựa chọn cho mình một mẫu xe phù hợp lại là một câu hỏi thực sự gây đau đầu… Một số kinh nghiệm mua xe dưới đây sẽ rất hữu ích với bạn.
Hãy cùng bắt đầu bằng một câu hỏi khá hóc búa: Chiếc xe nào phù hợp với mình nhất?
Đây có lẽ là câu hỏi lớn nhất nhưng lại bao trùm nhất mọi ý vấn đề xung quanh đến chiếc xe mà bạn định sắm cho mình, bởi khi tìm ra được câu trả lời thấu đáo, bạn đã giải quyết được mọi vấn đề liên quan đến việc sở hữu một chiếc ôtô, bao gồm: phí trước bạ, trả lãi vay nếu bạn mua trả góp, chi phí bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa và bảo hiểm, chưa kể đến những chi phí phát sinh thường gặp khác, như tiền xăng dầu, phí đậu xe và đặc biệt là những chi phí liên quan đến những quyết định sắp tới của các nhà quản lí giao thông Việt Nam...
Chiếc xe bạn sẽ mua liệu có uống xăng như... bia? Hãy nghĩ đến quãng đường bạn sẽ đi hàng ngày và chi phí cho việc mua nhiên liệu. Hãy tính đến thực tế giá xăng hiện nay không có vẻ gì là sẽ ngừng tăng, nhất là trong xu hướng “lên thì vội vã mà xuống thì đủng đỉnh”. Liệu bạn có muốn "nhẵn túi" trước cả khi xe hết xăng?
Khi tính toán chi phí cần thiết để sở hữu một chiếc xe, bạn cũng phải tính đến các chi phí sửa chữa và bảo trì xe. Khi bạn đã chọn được hãng xe và loại xe bạn thích, bạn cũng nên tham khảo các đánh giá về độ tin cậy của mẫu xe đó. Có rất nhiều thông tin về các loại hỏng hóc và sửa chữa tương ứng của từng loại xe trên các trang mạng và diễn đàn, cũng như những ý kiến nhận xét và khen chê của người xung quanh đã dùng mẫu xe đó.
Ngay cả những chiếc xe tốt nhất trên thị trường hiện nay cũng cần phải được bảo trì và chăm sóc định kỳ. Có quá nhiều thứ đang đợi bạn để chăm sóc cho chiếc xế yêu của mình định kì: lốp xe, lọc dầu, lọc gió, dầu nhớt… phải được thay đúng thời hạn, đất đá văng trên đường cao tốc có thể làm hỏng kính chắn gió, và nếu không may xe của bạn gặp tai nạn, bạn có thể sẽ phải thay cản xe hoặc đèn pha - hay thậm chí nhiều hơn thế.
Chi phí để thay thế các bộ phận của xe cũng rất đa dạng. Thông thường, phụ tùng và chi phí dành cho các mẫu xe nhập khẩu sẽ đắt tiền và mất nhiều thời gian hơn…
Đừng trở thành con nợ cho số tiền trả góp ngân hàng mỗi tháng
Những người có đủ “tiềm lực” sẽ sẵn sàng trả đủ tiền khi đến đại lý ký hợp đồng mua xe. Nhưng đa phần khách hàng cần đến một kế hoạch tài chính dài hạn để thanh toán hết tiền mua xe. Khi đó dịch vụ mua xe trả góp sẽ là giải pháp tốt nhất. Đây không phải là điều gì đáng xấu hổ. Đại đa số người dân Mỹ, Tây Âu mua xe, và cả mua nhà đều theo cách này.
Thông thường, mỗi hãng xe đều có một ngân hàng “ruột” để giới thiệu cho bạn. Ở mỗi một đại lí, nhân viên tư vấn sẽ giúp bạn tính toán thu nhập hàng tháng, các khoản chi tiêu gia đình, trả nợ ngân hàng và tiền ăn, chơi, giải trí khác. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng khoản tiền góp hàng tháng càng ít thì cũng đồng nghĩa với việc thời gian trả dứt nợ càng dài, và những đồng tiền quý giá bạn kiếm được sẽ chạy hết vào phần lãi suất vay. Thêm vào đó, lãi suất cho vay biến động không ngừng. Trong một vài trường hợp nhất định, bạn có thể đề nghị ấn định lãi suất vay (nghĩa là sẽ không có sự điều chỉnh lãi suất vay trong suốt thời hạn của hợp đồng vay). Hãy bàn bạc về khả năng này với đại lý, có thể người tư vấn bán hàng ấy sẽ có những giải thích rõ ràng cho bạn xem phương án này có thể thực hiện được hay không…
Phải chắc chắn 100% rằng bạn có thể kham nổi khoản trả góp hàng tháng. Nếu không, việc này có thể ảnh hưởng đến đánh giá tín dụng của ngân hàng đối với bạn và khả năng vay mua nhà hoặc mua chiếc xe thứ hai trong tương lai. Nếu bạn bắt đầu trễ hạn góp tiền xe, có thể đại lý bán xe sẽ giúp bạn điều chỉnh lại kế hoạch thanh toán. Nhưng nếu bạn trễ quá nhiều, có thể bạn sẽ mất toàn bộ chiếc xe... và cả số tiền bạn đã đóng tính đến thời điểm đó.
Ngoài các cho phí kể trên, bảo hiểm là một vấn đề bạn cần đặc biệt quan tâm. Tại Việt Nam, bảo hiểm trách nhiệm dân sự là bắt buộc; ngoài ra, các chủ xe có thể chọn các loại bảo hiểm thông dụng khác, như bảo hiểm thân vỏ (vật chất), bảo hiểm mất cắp…
Hiện nay tại Việt Nam, một số hãng bảo hiểm uy tín đang chia phần lớn thị phần bảo hiểm ôtô như Bảo Việt, Bảo Minh, bảo hiểm Dầu khí… Tuy nhiên, dù hãng bảo hiểm có lớn đến đâu, bạn cũng phải tìm hiểu kỹ các điểu khoản trong hợp đồng, thủ tục xin bảo hiểm thế nào, thời gian đền bù là bao lâu…
LƯU Ý NHANH
|
Kỳ sau: Đâu là loại xe bạn cần?