Lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam, xuất xứ từ Trung Quốc tương tự đàn anh MG HS, chiếc crossover ở hạng C, chiếc MG RX5 gây bất ngờ không phải là thiết kế đẹp, trang bị phong phú... mà lại là việc định giá cực kỳ "thách thức". Với giá bán 739 và 829 triệu đồng, MG RX5 tương đương cả với các mẫu xe đã thành danh và đang bán tốt nhất thị trường Việt Nam là chiếc Mazda CX-5 (bản Deluxe và Premium). Vậy với giá bán này, MG RX5 có gì nổi trội để tự tin đến vậy?
Thị trường Việt Nam đang ngày càng sôi động với các mẫu xe mới ra mắt ở các phân khúc SUV và crossover; nhờ đó, khách hàng trong nước cũng có thêm nhiều lựa chọn đa dạng hơn. Nhưng đối với phân khúc crossover hạng C, Mazda CX-5 vẫn luôn là mẫu xe dẫn đầu từ nhiều năm nay, xe vừa được nâng cấp lên phiên bản mới với giá bán giảm mạnh so với trước nhằm tiếp nối thành công đã có.
Trong khi đó, MG RX5 với lần đầu xuất hiện tại thị trường trong nước cũng lấy ưu thế giá bán để cạnh tranh trong phân khúc, nhưng liệu đây có phải lựa chọn phù hợp cho khách hàng khi nguồn gốc Trung Quốc của mẫu xe này vẫn luôn là “chướng ngại” lớn tại Việt Nam. Chỉ được bán ra với 2 phiên bản, cao nhất là 1.5T LUX với giá bán 829 triệu đồng, đây cũng là mức giá cạnh tranh trực tiếp với phiên bản Mazda CX-5 2.0 Premium.
Với giá bán tương đồng, cả 2 mẫu xe này đều có những lợi thế riêng cho mình, nhưng đại diện từ Mazda sẽ “nhàn” hơn trong cuộc cạnh tranh này trong khi crossover của MG phải cố gắng rất nhiều để thu hút người tiêu dùng tại Việt Nam. Và nếu không muốn nói thẳng - MG RX5 đã thất thế hơn so với đối thủ Mazda CX-5, chưa kể việc được hưởng lệ phí trước bạ ưu đãi (từ nay đến cuối năm), mẫu crossover Nhật Bản đã giành "phần thắng" so với đối thủ từ Trung Quốc này, bất chấp việc nhà phân phối MG tại Việt Nam đã tìm cách thực hiện các chương trình ưu đãi để cân bằng lợi thế cạnh tranh.
Kích thước của cả 2 mẫu xe có nhiều nét tương đồng và không có chênh lệch nhiều, chỉ có bán kính vòng quay tối thiểu của MG RX5 lớn hơn nên sẽ khó luồn lách trong các khu vực đô thị đông đúc. Thiết kế ngoại thất cũng là điều đáng nói khi mẫu xe Mazda gần như vẫn tương tự trước đây trong khi đại diện từ Trung Quốc có sự mới mẻ với những đường nét sắc sảo dù có phần khô cứng.
Sức mạnh động cơ là yếu tố dễ so sánh giữa Mazda CX-5 2.0 Premium và MG RX5 1.5T LUX, mẫu xe MG với động cơ 1.5 tăng áp sở hữu công suất và mô-men xoắn lớn hơn so với đối thủ trong khi cũng được trang bị cả hộp số ly hợp kép 7 cấp dạng ướt mượt mà hơn. Tuy nhiên, việc vận hành một hộp số ly hợp kép trong điều kiện vận hành tại Việt Nam luôn đi kèm với câu hỏi về chất lượng và sự ổn định trong vận hành (quá nhiệt) - điều rõ ràng cần thời gian để kiểm nghiệm thực tế hơn là sẵn sàng trở thành "người tiên phong" với một xe hoàn toàn mới từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Mazda CX-5 chỉ có động cơ 2.0L hút khí tự nhiên tương tự trước đây nhưng cho độ ổn định cao hơn (cho dù giai đoạn đầu động cơ phun nhiên liệu trực tiếp với tỷ số nén cao dễ gây ra hiện tượng Cá vàng - báo lỗi check-engine), cùng với đó là mức tiêu thụ nhiên liệu cũng đã được hãng công bố từ trước đây cùng hộp số tự động 6 cấp và hệ dẫn động cầu trước quen thuộc.
Về trang bị tiện ích, cả 2 mẫu xe này đều có những trang bị đặc trưng cho riêng mình. Theo đó, Mazda CX-5 2.0 Premium có một số tính năng vượt trội hơn như: Ghế lái nhớ vị trí, ghế phụ chỉnh điện, gương chiếu hậu bên trong chống chói tự động, màn hình HUD, ga tự động thích ứng và hệ thống âm thanh 10 loa Bose.
Mặt khác, MG RX5 cũng sở hữu một số ưu thế ở các trang bị: Cửa sổ trời toàn cảnh, mở cốp rảnh tay, ghế lái thông gió, vô-lăng dạng D-Cut thể thao cùng lẫy chuyển số, hàng ghế sau gập 60:40, màn hình giải trí tới 14,1 inch, cụm đồng hỗ kỹ thuật số 12,3 inch, cần số điện tử, sạc không dây.
Thiết kế khoang nội thất của cả hai đều mang những nét đặc trưng của riêng mình, Mazda CX-5 Premium vẫn có được sự sang trọng cần thiết thông qua nội thất bọc da với các ốp viền trang trí màu bạc truyền thống, quen thuộc thì MG RX5 có vẻ hiện đại hơn với màn hình giải trí dạng dọc, bảng điều khiển trung tâm có màu khác biệt.
Nếu nhìn thoáng qua về hệ thống an toàn, có vẻ MG RX5 1.5T LUX sở hữu nhiều tính năng hơn nhưng thực tế Mazda CX-5 có đầy đủ các hệ thống hỗ trợ cao cấp và hiện đại hơn; gói i-Activsense với tất cả 12 tính năng an toàn như: Mở rộng góc chiếu đèn trước theo hướng đánh lái, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, điều khiển hành trình tích hợp radar và cảnh báo điểm mù, đèn thích ứng thông minh…
Và đây cũng chính là lý do vì sao Mazda CX-5 giành được sự quan tâm của người tiêu dùng Việt Nam trong suốt những năm qua, bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ như Honda HR-V, Hyundai Tucson/Santa Fe...
Mặc dù vậy MG RX5 cũng bù đắp bằng một số trang bị của riêng mình; cảm biến áp suất lốp, cảm biến khoảng cách phía trước và hỗ trợ đổ đèo...
Có thể thấy, dù cùng mức giá nhưng hai mẫu crossover hạng C sở hữu lượng trang bị khá khác biệt. Trong đó, MG RX5 hướng đến sức mạnh động cơ cao hơn và các trang bị tiện ích đoan giản, tạo ấn tượng ngay lập tức cho người mua xe. Nhưng vấn đề xuất xứ khiến xe khó cạnh tranh hơn, và cũng là một yếu tố khách hàng khó lựa chọn trừ khi được đánh đổi bằng giá bán. Trong khi đó, Mazda CX-5 vẫn thể hiện đúng chất và lợi thế của mình với giá bán hợp lý, trang bị cao cấp và hiện đại, chất lượng được kiểm định qua thời gian...
Và chính vì vậy, sự có mặt của MG RX5 với giá bán "thách thức" này xem ra sẽ khó có được sự quan tâm đúng mức của người tiêu dùng, đặc biệt là những gì mà các mẫu crossover của MG Motor đã có mặt tại Việt Nam; MG ZS, MG HS... với những vấn đề (trục trặc) về chất lượng hoàn thiện, và đặc biệt là khả năng cung cấp linh phụ kiện thay thế...