Dành cho các bạn quan tâm:
Các mẫu xe Trung Quốc trong thời gian đây, xuất hiện với tần suất dày đặc tại Việt Nam có phần nào có điểm chung với làn sóng "xe Hàn" trước đây; cạnh tranh với các đối thủ thành danh trước đó (Nhật Bản, châu Âu, Mỹ) bằng giá thành rẻ, thiết kế trẻ trung, trang bị hào phóng... Và điều này không có gì lạ khi mà BYD M6, GAC M6 Pro tham gia ở một trong những phân khúc cạnh tranh khốc liệt nhất, nhưng cũng giành được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng nhất, phân khúc mà Mitsubishi Xpander đang chiếm giữ bằng chính "những vũ khí" đó.
Với sự xuất hiện của làn sóng xe Trung Quốc, các phân khúc đang dần được lấp đầy bởi những mẫu ô tô mới với khả năng cạnh tranh về giá bán, tính năng, trang bị... BYD M6 và GAC M6 Pro cùng ra mắt vào tháng 10 với mục tiêu chiếm lĩnh phân khúc MPV là điều đã được dự đoán trước dù vấp phải Mitsubishi Xpander đang liên tục dẫn đầu sau nhiều năm trở lại đây.
Điều mà BYD M6 và GAC M6 Pro thiếu hiện nay, đương nhiên cần thời gian để xây dựng niềm tin với người tiêu dùng, cho dù hai mẫu xe này thể hiện sự vượt trội về mặt trang thiết bị bị so với Mitsubishi Xpander (cho dù mẫu xe Nhật Bản này có giá rẻ hơn). Vậy đâu sẽ là điểm ưu thế của các mẫu xe này?
Dù sẽ được hứa hẹn thay đổi nguồn cung trong thời gian tới (để giảm giá thành) nên hiện cả hai mẫu xe BYD M6 và GAC M6 Pro đều vẫn được nhập khẩu từ Trung Quốc, nên có giá bán chênh lệch khá nhiều so với phiên bản cao nhất của Mitsubishi Xpander vốn có xuất xứ từ Indonesia được miễn thuế nhập khẩu.
Bù lại, kích thước của Xpander sẽ có phần nhỏ hơn, đặc biệt ở chiều dài, rộng và dung tích khoang hành lý so với hai đối thủ từ Trung Quốc, nhưng khoảng sáng gầm lại nhỉnh hơn và bán kính vòng quay tối thiểu nhỏ hơn nên có lợi thế trong đô thị. Đáng chú ý, BYD M6 vượt trội hẳn ở hệ thống treo với dạng đa liên kết phía sau sẽ cho cảm giác êm ái hơn; trong khi GAC M6 Pro được trang bị cấu trúc ghế dạng 7 chỗ đích thực với 2 ghế ở hàng thứ hai, mang đến không gian rộng rãi.
Hệ thống truyền động cũng là những khác biệt lớn khi BYD M6 là dạng thuần điện với động cơ điện đồng bộ nam châm vĩnh cửu, cho công suất và mô-men xoắn lớn nhất, cùng với đó là cụm pin điện dung lượng 55,4 kWh cho quãng đường di chuyển tới 420 km; đương nhiên, xe cũng có khả năng tăng tốc tốt hơn so với các mẫu ô tô chạy xăng truyền thống và có một số tính năng riêng của dòng xe xanh.
Trong khi đó, GAC M6 Pro GS dù là phiên bản thấp hơn nhưng vẫn được trang bị hệ thống truyền động tương tự phiên bản cao nhất, với động cơ 1.5L kết hợp hộp số tự động ly hợp kép 7 cấp dạng ướt cho sức mạnh khá lớn, cùng với việc được trang bị sẵn nhiều chế độ lái. Cuối cùng, Mitsubishi Xpander có công suất và mô-men xoắn nhỏ hơn đáng kể so với các đối thủ và hộp số tự động 4 cấp, hàm lượng công nghệ thấp nhưng có lợi hơn ở mức tiêu thụ nhiên liệu thấp.
Về tiện ích, dễ dàng nhận thấy BYD M6 có khả năng mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng với hàng loạt tính năng hiện đại và cao cấp hơn đáng kể so với các đối thủ, kể cả ở bên ngoài lẫn bên trong. Những trang bị này phù hợp với một mẫu xe điện mới tại Việt Nam hiện nay khi công nghệ được đặt lên hàng đầu.
Đáng chú ý, Mitsubishi Xpander AT Premium sở hữu một số trang bị tốt hơn so với GAC M6 Pro GS, đặc biệt ở chất liệu bọc ghế và vô-lăng đều là bọc da (công nghiệp_, chìa khóa thông minh, cảm biến gạt mưa tự động, hệ thống đèn LED xung quanh xe, hệ thống âm thanh 6 loa; nhưng mẫu xe Trung Quốc lại cao cấp hơn khi sở hữu màn hình đồng hồ 7 inch và màn hình giải trí 10,25 inch lớn hơn, hệ thống điều hòa tự động 2 vùng và đi kèm tính năng lọc bụi mịn PM1.0.
Tương tự như các trang bị tiện ích, BYD M6 cũng vượt trội hơn các đối thủ về mặt an toàn và hỗ trợ người lái với nhiều tính năng chủ động, cùng với đó là khả năng hỗ trợ với camera 360 độ, cảm biến hỗ trợ đỗ xe cho cả phía trước và sau, cùng với 6 túi khí.
Hai mẫu xe còn lại gần như tương đồng khi có một số tính năng an toàn khác biệt nhưng không chênh lệch quá nhiều. Mitsubishi Xpander AT Premium thiệt thòi hơn khi chỉ sở hữu phanh tang trống ở bánh sau, không có cảm biến hỗ trợ đỗ xe và cảm biến áp suất lốp. Trong khi đó, GAC M6 Pro thiếu đi đèn báo phanh khẩn cấp và hệ thống kiểm soát lực kéo.
Có thể thấy, BYD M6 với giá bán cao hơn 98 triệu đồng so với Mitsubishi Xpander AT Premium và 57 triệu đồng chênh lệch so với GAC M6 Pro GS đã cho thấy sự vượt trội về nhiều mặt, từ các trang bị cơ bản về khung gầm, động cơ đến những tiện ích và an toàn. Tuy nhiên, xe điện sẽ vẫn là một phương tiện cần tạo được nhiều động lực hơn cho người dùng, đặc biệt khi BYD chưa có hệ thống trạm sạc công cộng rộng rãi như VinFast hiện nay.
GAC M6 Pro hướng đến phân khúc MPV có kích thước lớn hơn so với các mẫu xe giá rẻ nhưng số lượng trang bị của xe chưa quá vượt trội, giá bán dù phù hợp nhưng thương hiệu Trung Quốc sẽ khiến khách hàng đắn đo khi lựa chọn. Trong khi đó, Mitsubishi Xpander vẫn mang đến sự an toàn khi lựa chọn với giá thấp so với cả hai đối thủ trên cũng như nhiều mẫu xe khác trong phân khúc MPV, đặc biệt là kích thước và tính năng không quá thua kém, và có sự ổn định cao trong nhiều năm trở lại đây.