Ford Ranger Stormtrak chính thức có mặt tại thị trường VIệt Nam, tạo ra một cuộc chơi "Tay ba" của riêng Ford trên đỉnh cao của phân khúc bán tải mà chưa một đối thủ nào, đến lúc này có thể chen chân vào được. Bất cứ cái tên nào trong bộ ba Ranger Raptor, Ranger Stormtrak và Ranger Wildtrak cũng đều nổi trội hơn hẳn đổi thủ, dù là thiết kế hay vận hành, là trang bị hiện đại hay công năng sử dụng... Nhưng nếu ba cái tên này phải cạnh tranh với nhau thì sẽ ra sao?
Dành cho các bạn quan tâm:
Với sự góp mặt của Stormtrak, Ford Ranger đã trở thành mẫu xe bán tải duy nhất đến thời điểm này có giá bán vượt mốc 1 tỷ đồng, hoàn toàn đủ sức cạnh tranh về giá bán với các mẫu SUV chở người khung gầm rời của các đối thủ Nhật Bản khác. Và cũng vì thế, Ford Ranger tạo ra một cuộc cạnh tranh mang tính... nội bộ giữa các mẫu xe bán tải (về thiết kế) ở một tầm cao mà không đối thủ nào có thể chen chân vào được.
Vậy ở đỉnh cao của phân khúc bán tải, bộ ba Ranger Raptor, Ranger Stormtrak và Ranger Wildtrak sẽ có cuộc ganh đua như thế nào?
Ford Ranger Raptor - cho dù được định vị là một mẫu bán tải... không bình thường (có thùng chở hàng mà không phải để chở hàng), sở hữu nhiều trang bị cao cấp và... đẳng cấp hơn so với hai đàn em Ranger Stormtrak và Ranger Wildtrak. Nhưng rõ ràng là "tiền nào của nấy", ba cái tên này có gì để so kè trong cuộc chơi "trên đỉnh" này?
Có thể thấy, giá bán của Ranger Stormtrak chỉ cao hơn 60 triệu đồng so với phiên bản Wildtrak nhưng còn cách Ranger Raptor 260 triệu đồng, một mức chênh lệch khá lớn và chắc chắn có nhiều khác biệt về trang bị, mức độ tinh chỉnh. Trong khi đó, phiên bản mới được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan tương tự mẫu bán tải hiệu năng cao trong khi Wildtrak vẫn lắp ráp trong nước như các phiên bản Ranger khác.
Kích thước 3 mẫu xe này có một số khác biệt nhỏ nhưng cơ bản Ranger Raptor vẫn có sự vượt trội lớn nhất về chiều rộng và chiều cao nhưng khoảng sáng gầm xe có thấp hơn một chút trong khi bán kinh vòng quay tối thiểu lớn hơn, cần khoảng không gian rộng hơn để quay đầu. Đáng chú ý, Wildtrak có bình nhiên liệu lớn nhất trong số các mẫu xe này, lên tới 85,8 lít. Phiên bản Stormtrak có một số khác biệt về thiết kế ngoại thất so với Wildtrak với các điểm nhấn ở phần đầu xe và bánh mâm trong khi Ranger Raptor có về ngoài thể thao và hầm hố hơn cả.
Đường kính bánh mâm của Stormtrak lớn nhất với 20 inch nhưng dù Ranger Raptor nhỏ hơn, xe lại có bộ lốp tối ưu với đường địa hình khi có độ rộng mặt lốp và bề dày lớn hơn đáng kể. Đặc biệt hơn, hệ thống treo của mẫu Ranger Raptor sở hữu giảm xóc FOX 2,5 inch (kết hợp cùng cảm biến vị trí Position Sensitive Damping) cho tất cả các bánh cải thiện khả năng vận hành trên đường off-road trong khi 2 phiên bản Wildtrak và Stormtrak vẫn dùng nhíp lá kết hợp ống giảm chấn cho các bánh sau.
Hệ thống động cơ của cả 3 mẫu xe này đều giống nhau với máy 2.0L Bi-Turbo tăng áp kép kết hợp với hộp số tự động 10 cấp, cho công suất tối đa 207 mã lực tại 3.750 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 500 Nm từ 1.750 - 2.000 vòng/phút. Phiên bản Wildtrak và Stormtrak khá tương đồng với các hệ thống và trang bị bổ trợ, cả về hệ dẫn động 2 cầu chủ động (4x4), trợ lực lái điện, gài cầu điện tử, khóa vi sai cầu sau, kiểm soát đường địa hình và 6 chế độ lái đa địa hình.
Trong khi đó, Ford trang bị cho mẫu Ranger Raptor nhiều “đồ chơi” hơn, với hệ dẫn động 2 cầu chủ động toàn thời gian (AWD) và bán thời gian (4WD) cùng với đó là bổ sung chế độ lái Baja, tối ưu hóa hiệu suất offroad tốc độ cao với tất cả các hệ thống được thiết lập để hoạt động với công suất tối đa. Ngoài ra, trợ lực lái điện của xe được nâng cấp mới với mô-tơ trợ lực lái lớn hơn, tỷ số lái cung cấp nhiều hơn nên tay lái khá nhẹ và phản ứng đối cũng nhạy hơn.
Về trang bị tiện ích, cả 3 mẫu xe đều sở hữu hệ thống đèn khá tương đồng với đèn pha LED Matrix có khả năng tự động bật/tắt, tự động bật đèn chiếu góc nhưng phiên bản Stormtrak mới có thêm bộ đèn trợ sáng cùng với đó là hệ thống giá đỡ thông minh trên nóc và thùng xe giúp vận chuyển đồ dễ dàng hơn.
Khoang nội thất của các mẫu xe này đều sở hữu điểm nhấn là tên phiên bản xe được thêu trên lưng ghế cùng với các đường chỉ viền trang trí. Tuy nhiên, Ranger Raptor được bọc da cao cấp với ghế lái chỉnh điện 10 hướng nhưng không được đề cập đến khả năng gập hàng ghế sau; Stormtrak là da Vinyl kết hợp với da lộn trong khi Wildtrak chỉ có da Vinyl thường, cả 2 phiên bản có tính năng chỉnh điện 8 hướng cho ghế lái và có thể gập hàng ghế sau.
Cùng có cửa kính điều khiển điện 1 chạm cho hàng ghế trước, điều hòa tự động 2 vùng và gương chiếu hậu bên trong tự động điều chỉnh 2 chế độ ngày/đêm, cả 3 mẫu xe đều có vô-lăng được bọc da nhưng riêng Ranger Raptor có thêm lẫy chuyển số thể thao sau vô-lăng. Dù cùng có bảng đồng hồ kỹ thuật số nhưng phiên bản Wildtrak có kích thước nhỏ hơn, màn hình giải trí cảm ứng của cả 3 đều là 12 inch dạng dọc, cùng hệ thống âm thanh 6 loa, các xe đều có sạc không dây, phanh tay điện tử và chế độ giữ phanh tự động.
Hệ thống an toàn và hỗ trợ lái của 3 mẫu xe này có những khác biệt nhất định và hướng đến nhu cầu cụ thể của khách hàng. Điểm chung là các xe này đều có phanh đĩa cho 4 bánh, 7 túi khí, camera 360 độ, cảm biến hỗ trợ đỗ xe cho cả phía trước và sau, hệ thống kiểm soát hành trình tự động, hỗ trợ phanh ABS và EBD, cân bằng thân xe điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, hỗ trợ xuống dốc, cảnh báo lệch làn và hỗ trợ duy trì làn đường, cảnh báo va chạm và hỗ trợ phanh khẩn cấp khi có chướng ngại vật.
Trong khi đó, khác biệt của từng phiên bản là Wildtrak có hệ thống kiểm soát chống lật xe duy nhất trong 3 mẫu, Stormtrak được bổ sung tính năng cảnh báo điểm mù kết hợp cảnh báo xe cắt ngang. Tuy nhiên, cả 2 xe đều nhận những tính năng an toàn dành cho người dùng phổ thông trong khi Ranger Raptor có các hệ thống riêng biệt phục vụ cho khả năng off-road.
Cụ thể, mẫu xe hiệu năng cao sở hữu hệ thống kiểm soát hành trình trên đường địa hình và hỗ trợ đỗ xe tự động độc đáo so với nhiều mẫu bán tải tại Việt Nam hiện nay, giúp hỗ trợ quá trình vượt địa hình cũng như đỗ xe trong trường hợp chiều dài xe khá lớn sẽ gây khó khăn cho người lái. Cùng với đó, xe cũng được trang bị sẵn hệ thống kiểm soát áp suất lốp, đảm bảo áp suất đủ trước và trong những chuyến hành trình.
Như vậy, có thể thấy, phiên bản Stormtrak có khá nhiều bổ sung về mặt trang bị so với Wildtrak, phù hợp với mức chênh lệch 60 triệu đồng. Tuy nhiên, các trang bị này vẫn nhằm phục vụ tiện nghi và tạo ấn tượng cho người lái và hành khách trên xe, chưa quá nổi trội trong việc vận hành.
Do đó, Ranger Raptor vẫn là lựa chọn tối ưu cho những người đam mê các mẫu bán tải chuyên off-road với những tinh chỉnh đặc biệt, trang bị tối ưu, đảm bảo cho quá trình vượt địa hình tốt nhất. Mức chênh lệch 260 triệu đồng so với Stormtrak vẫn “sắt ra miếng” khi nhìn sâu vào hệ thống và trang bị phục vụ quá trình vận hành của xe.