Cuộc điều tra mở rộng của Cơ quan Quản lý An toàn Đường bộ Hoa Kỳ (NHTSA) cho thấy khoảng 50 triệu ô tô thuộc 13 thương hiệu khác nhau có nguy cơ bị lỗi cụm bơm khí được cung cấp bởi hai nhà sản xuất ARC Automotive và Delphi Automotive.
Dành cho các bạn quan tâm:
Theo Reuters, Cơ quan Quản lý An toàn Đường bộ Hoa Kỳ (NHTSA) chưa yêu cầu triệu hồi đối với vấn đề túi khí mới mà vẫn đang mở rộng điều tra tại thị trường Mỹ. Vào tháng 7 vừa qua, NHTSA cho biết lỗi này có thể gây rủi ro tai nạn nghiêm trọng, và thực tế đã gây ra 1 trường hợp tử vong cùng 7 trường hợp khác bị thương sau cuộc điều tra kéo dài 8 năm của chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, NHTSA muốn thu thập thêm thông tin về mặt kỹ thuật của cụm bơm khí được lắp vào ô tô của từng nhà sản xuất cũng như quy trình lắp ráp của các nhà máy liên quan. Hai đơn vị liên quan trực tiếp là ARC Automotive và Delphi Automotive (thuộc Autoliv) đã phản đối cáo buộc liên quan đến cụm bơm khí có thể bị vỡ và làm các mảnh kim loại văng vào khoang cabin.
Vào tháng 10/2023, Reuters đã đưa tin về vấn đề này và cho biết có ít nhất 20 triệu ô tô GM có thể bị ảnh hưởng, trong khi tập đoàn Stellantis có thể có 4,9 triệu chiếc liên quan nhưng chỉ báo cáo duy nhất 1 trường hợp vỡ túi khí vào năm 2009. Các nhà sản xuất ô tô cho rằng rủi ro từ vấn đề túi khí lần này rất nhỏ, chưa đủ để NHTSA phải yêu cầu triệu hồi.
Theo đó, các cụm bơm khí của ARC Automotive và Delphi Automotive đã được trang bị trên hàng loạt ô tô từ năm 2000 đến đầu năm 2018, thuộc 13 nhà sản xuất khác nhau (bên cạnh các nhà sản xuất đã đề cập phía trên) như: Jaguar Land Rover, Ford, Mercedes-Benz, BMW, Hyundai, Kia, Porsche...
NHTSA đã kêu gọi triệu hồi ô tô tự nguyện lần đầu vào tháng 5/2023 nhưng ARC Automotive đã bác bỏ. Mặt khác, GM đã triệu hồi 1 triệu xe được trang bị túi khí ARC sau khi cụm bơm khí bị vỡ, gây chấn thương cho một tài xế.
Trong khi đó, Delphi Automotive đã sản xuất và cung cấp khoảng 11 triệu cụm bơm khí theo thỏa thuận cấp phép từ ARC, đơn vị đã sản xuất 40 triệu cụm bơm khí đang trong diện điều tra.
Vụ việc lần này gợi thế về vấn đề tương tự đã khiến công ty Takata phải phá sản vào năm 2017, với tổng số lượng xe bị triệu hồi bởi lỗi cụm bơm khí trên toàn cầu tính đến năm 2024 đã lên tới hơn 100 triệu chiếc, gây 28 trường hợp tử vong tại Mỹ và 35 vụ trên toàn cầu.
Tổng hợp