Các cảng biển ở châu Âu đang là nơi “tạm trú” của ô tô Trung Quốc khi lượng hàng tồn kho còn rất nhiều trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng dành cho xe điện giảm mạnh.
Dành cho các bạn quan tâm:
Xe điện Trung Quốc đang ngày càng tràn ngập tại các cảng biển lớn hàng đầu châu Âu như Antwerp Bruges (Bỉ) và Bremerhaven (Đức). Theo tờ Financial Times, có một số vấn đề đối với các loại ô tô được sản xuất tại Trung Quốc khiến các cảng trên trở thành “bãi đỗ xe bất đắc dĩ” khi xe điện từ thị trường lớn nhất thế giới này đang xâm nhập châu Âu.
Một trong số nguyên nhân là việc thiếu hụt về hậu cần. Các báo cáo cho thấy các hãng Trung Quốc sau khi bốc dỡ xe từ tàu xuống cảng, đã gặp khó khăn khi không thể tìm được phương tiện vận chuyển, thậm chí là cả tài xế để đưa xe đến đại lý hoặc địa điểm trung chuyển kế tiếp.
Ông Thôi Đông Thụ - Tổng thư ký Hiệp hội Xe Du lịch Trung Quốc - cho rằng việc vận chuyển nội địa tại các thị trường ở châu Âu đang rất khó khăn [đối với xe điện Trung Quốc] do nguồn cung đang quá lớn, chưa kể còn có tác động không nhỏ của đối thủ Tesla khi đã "đi trước", giữ chỗ nhiều hãng vận chuyển ô tô cho việc chuyển chở cho mình.
Hiện tại, hàng loạt nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc, như BYD, SAIC, Great Wall Motors và Chery, đang tìm cách mở rộng thị trường nước ngoài, tập trung vào châu Âu và Nam Mỹ, do nhu cầu xe điện tại chính quê hương Trung Quốc đang sụt giảm trong khi sản lượng sản xuất đang tăng cao.
Tình trạng này đã có tác động dây chuyền đến các tàu vận tải ô tô đang dỡ hàng. United European Car Carriers có trụ sở tại Oslo, một công ty vận hành tàu biển chở ô tô, cho biết đã có “nhiều trải nghiệm khó chịu” khi các tàu của họ bị kẹt tại cảng Livorno của Italy và cảng Piraeus của Hy Lạp vì tắc nghẽn ở bến tàu. Sự tắc nghẽn là trở ngại mới nhất đối với hệ thống vận chuyển ô tô thành phẩm toàn cầu. Lĩnh vực này đã chật vật trong suốt nhiều tháng do tình trạng thiếu hụt công suất tàu vận tải do xuất khẩu ô tô của Trung Quốc tăng vọt khiến số chuyến tàu vận chuyển ô tô trên các tuyến dài tăng 17% so với năm trước.
Cách đây 2 tuần, Bộ trưởng Tài Chính Mỹ - Janet Yellen - khi tới Bắc Kinh để gặp gỡ và trao đổi với các quan chức Trung Quốc cũng đã bày tỏ lo ngại về tình trạng dư thừa năng lực công nghiệp của nước này. Bà cho rằng đây là "tác động không hề tích cực có xu hướng ngày càng tăng" của Trung Quốc đang gây ra rủi ro đáng kể cho người lao động và doanh nghiệp ở Mỹ cũng như phần còn lại của thế giới. Sau đó một tuần, Bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc - Vương Văn Đào - đã kịch liệt phủ nhận những lo ngại này tại hội nghị thượng đỉnh ở Paris. Trong hội nghị này, ông đã bày rỏ mục tiêu tăng cường hợp tác thực tế sâu sắc hơn trong ngành xe điện giữa Trung Quốc và châu Âu - nơi đang có sự hiện diện của BYD, SAIC, CATL và Geely. |
Theo InsideEVs