Honda tiếp tục khai thác tối đa suất đầu tư với khối động cơ Parallel-Twin 500cc quen thuộc khi trang bị cho mẫu scrambler Honda CL500, sau khi đã phổ biến rộng rãi trên các dòng entry-level của Honda tại Việt Nam như CB500R, CBR500R, CB500X và cả Rebel 500.
Honda CL500 đánh dấu xu hướng trở về quá khứ với dòng Scrambler cổ điển, đây là dòng động cơ được đánh giá là phù hợp với nhu cầu và xu hướng vận hành của người tiêu dùng Việt Nam ở thời điểm này, cân bằng giữa giá thành và công năng sử dụng.
Khối động cơ 500cc được Honda tối đa đến mức “cùng cực” cho dây chuyền tại Thái Lan khi lần lượt trang bị cho các mẫu xe ở tất cả các phân khúc dành cho người mới chơi mô tô phân khúc naked-bike, sport, adventure và cruiser… và giờ đây là ở phân khúc cổ điển scrambler.
Và động thái này, có thể cũng là dấu chấm hết cho dòng động cơ 300cc nhỏ hơn, vốn còn tồn lay lắt trên mẫu Rebel 300… và cả CL 300 ở thị trường Ấn Độ, khi mà thực tế đã chứng minh, khối động cơ này chưa đủ năng lực phục vụ nhu cầu cho người dùng khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Sự cân bằng giữa chi phí và sức mạnh
Chi phí khoảng 180 triệu đồng cho cỗ máy hai xi-lanh 500c là một con số mà chưa bao giờ thị trường mô tô tại Việt Nam có được. Đó là chưa kể CL500 là một mẫu xe hoàn toàn mới, do đó chi phí sản xuất và cả bản quyền thiết kế còn cao.
Giá bán này có được là nhờ một phần việc nhập khẩu từ Thái Lan (chi phí logistic và thuế suất thuế nhập khẩu, thuế TTĐB thấp) với dây chuyền và các nhà đầu tư sẵn có, ngoài ra chưa kể thị trường Việt Nam hiện đang có quá nhiều sự cạnh tranh từ các đối thủ khác như Kawasaki, Yamaha…, chưa kể các thương hiệu ô tô nhập khẩu khác từ Trung Quốc, Ấn Độ… với các liên doanh với BMW hay Triumph…
Và trên thực tế, khối động cơ song song dung tích thực 471 phân khối có kèm ly hợp chống trượt cho sức mạnh 45 mã lực tại 8.200 vòng/phút và momen xoắn cực đại 43,4 Nm tại 6.250 vòng/phút thực tế là đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là đối với một mẫu scrambler có mục tiêu làm đẹp cho chủ nhân hơn là chinh phục các cung đường sỏi đá.
CL500 khác biệt gì so với Rebel 500?
Với lý do kỷ niệm mẫu xe địa hình đầu tiên là chiếc Honda CL72 ra mắt năm 1962, và cũng như mọi lý do khác, đó là câu chuyện nhà sản xuất muốn thêm vào giá trị của CL500 thay vì đơn thuần chỉ là một mẫu xe được nâng cấp từ chiếc Rebel 500.
Sử dụng lại những thành phần cốt lõi của của chiếc Rebel với khung gầm và động cơ, tuy nhiên để đáp ứng thiết kế công năng của một chiếc scrambler, CL500 có những thay đổi để mang lại một hình ảnh khác biệt.
Đầu tiên là việc loại bỏ bình xăng nhô cao của chiếc cruiser, CL500 hạ thấp trọng tâm bình xăng, bổ sung thêm cặp tỳ gối bằng cao su hai bên hông. Tiếp đó, cụm ống xả - chi tiết được quan tâm nhất của một chiếc scrambler, treo cao lên phía chân người ngồi sau, gia cố thêm 3 lớp để chống nóng và ốp inox mờ tạo điểm nhấn.
Và để thích ứng điều kiện vận hành đường địa hình, CL500 loại bỏ cặp lốp onroad to bản kích thước 16 inch trên chiếc Rebel 500 để sử bộ lốp có bề ngang nhỏ hơn, nhưng có kích thước lớn hơn (19 inch cho phía trước và 17 incho cho phía sau (CL500 dùng lốp Trailmax do Dunlop cung cấp).
Và cũng trong tổng hòa thiết kế đó, hệ thống treo của CL500 cũng có sự thay đổi so với mẫu xe tiền thân Rebel 500; Giảm xóc trước có hành trình dài hơn (lên tới 150mm), giảm xóc sau có 5 mức điều chỉnh theo tải trọng (preload)…, điều này giúp chiếc CL500 có độ cao gầm xe được cải thiện, lên mức 155mm so với 149mm của Rebel 500.
Tuy nhiên một điều đáng tiếc, có lẽ cũng chính vì cân bằng với bài toán giá thành sản phẩm, Honda vẫn chỉ trang bị cho mẫu CL500 này bộ vành hợp kim đúc, thay vì một bộ vành nan “đúng kiểu” và cũng mang lại sự thoải mái cao hơn cho người dùng.
Và những trang bị hợp thời.
Nền tảng của Rebel 500 và cũng là những trang bị đáng tự hào nhất được CL500 kế thừa một cách “nhiệt tình”; đèn pha led dạng tròn cổ điển, cụm đồng hồ là sự kết hợp giữa màn hình LCD và hệ thống đèn báo.
Ở trang bị vận hành, CL500 vẫn sử dụng cụm dây ga đôi kéo/hồi bền bỉ và chính xác, hệ thống chống bó cứng phanh ABS cho cả bánh trước/sau…
Một điều đáng tiếc, dù là một chiếc xe địa hình với những hành trình dài nhưng cũng như Rebel 500, mẫu scrambler mới của Honda không bố trí ổ cắm sạc 12V cho các thiết bị ngoại vi – một điều khá cần thiết cho người tiêu dùng châu Á nói chung và người VIệt Nam nói riêng. Và có lẽ, điều này là do các kỹ sư thiết kế của Honda không biết bố trí chỗ để điện thoại khi di chuyển cho người dùng, hoặc bài toán chi phí cũng là một vấn đề ảnh hưởng.
Vận hành không quá khác biệt, vừa đủ cho một “mẫu PKL – dạo phố”
Thật khó có thể đòi hỏi một mẫu 500cc giá rẻ có những đức tính về tốc độ của dòng sport hay linh hoạt như dòng naked-bike, đa dụng và bền bỉ của dòng adventure… tuy nhiên Honda CL 500 mang đến cho bạn một cảm nhận khá khác biệt, không chỉ đến từ thiết kế cổ điển của dòng scrambler mà còn là sự tự tin khi cầm lái – một điều khá quan trọng cho những người mới bắt đầu “nhập môn PKL”.
Khối động cơ 500cc dùng chung với người anh em Rebel 500 nhưng có sự tinh chỉnh cho phù hợp với đòi hỏi gia tốc tức thời (CL500 đạt lực kéo tốt nhất ở vòng tua máy sớm hơn) cùng với cặp lốp (bản) nhỏ giúp chiếc xe đủ để tạo hưng phấn nhất định cho người lái, tất nhiên nếu tính đến các nhu cầu đặc biệt để phô diễn những cú wheelie hay quay compa…
Honda CL500 có tư thế ngồi thoải mái, độ cao yên 790mm nhưng bản yên không lớn giúp người có chiều cao trung bình cũng có thể tự tin chống chân. Hệ thống giảm xóc với ống lồng giảm chấn thuỷ lực và giảm xóc đôi phía sau có hành trình không dài nhưng cứng vững trong các tình huống vào cua…
Với dải tốc độ từ 80 – 100km/h sẽ là môi trường lý tưởng để CL500 và cả những người anh em khác dùng chung động cơ đạt độ cân bằng về vận hành, giữa sức mạnh và sự an toàn, đương nhiên kéo theo đó là sự tận hưởng cảm xúc khi điều khiển một chiếc PKL.
Mặc dù vậy, vẫn khó hiểu với thiết kế của Honda (hoặc do HVN đặt hàng) khi mà CL thiếu đi tay dắt phía đuôi xe, dù đặt sẵn lỗ ốc chờ sẵn, và loại phụ tùng này sẽ chỉ được cung cấp dưới dạng lựa chọn trả thêm tiền.
Một số hình ảnh chiếc Honda CL500 vừa chính thức góp mặt tại thị trường xe hai bánh Việt Nam: