Thương vụ sáp nhập giữa Dongfeng và Changan nếu xảy ra sẽ thành lập nên nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc với 4,5 triệu xe bán ra, lớn hơn cả BYD.
Dành cho các bạn quan tâm:
Vào ngày 9/2 vừa qua, một số công ty thuộc tập đoàn ô tô Đông Phong (Dongfeng Group) và tập đoàn công nghiệp Nam Trung Quốc (CSGC - công ty mẹ của Changan Motors) đã đồng thời tuyên bố về việc thảo luận tái cấu trúc với các doanh nghiệp nhà nước (SOE) khác. Tuy nhiên, điều này không làm thay đổi quyền sở hữu doanh nghiệp, đặc biệt là cổ đông có quyền kiểm soát cuối cùng vẫn là Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà Nước (SASAC) do chính phủ Trung Quốc điều hành.
Thông báo từ các doanh nghiệp trên dấy lên đồn đoán về một thương vụ sáp nhập có thể xảy ra giữa Dongfeng và Changan, giúp thành lập nên một nhà sản xuất ô tô có doanh số hơn 4,5 triệu chiếc mỗi năm, vượt qua cả BYD. Đồng thời, việc tái cấu trúc hai đơn vị này cũng phù hợp với nỗ lực của SASAC nhằm tối ưu các doanh nghiệp nhà nước, giảm cạnh tranh nội bộ và hướng đến chuyên môn hóa vào các lĩnh vực cụ thể thuộc quản lý.
Tuy nhiên, một thương vụ sáp nhập giữa hai công ty ô tô trên sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt khi hai bên đang có cấu trúc khác nhau: Dongfeng hoạt động như một SOE độc lập trong khi Changan vẫn thuộc về CSGC - một tập đoàn còn tham gia cả lĩnh vực sản xuất quân khí và thiết bị điện tử. Bên cạnh đó, cả hai công ty cũng có lịch sử thương hiệu mạnh và sự trùng lặp về nhiều phân khúc ô tô cạnh tranh nên sẽ gây ra nhiều phức tạp về mặt quản lý.
Nhiều chuyên gia cho rằng thương vụ sáp nhập của Dongfeng và Changan có thể sẽ không xảy ra nhưng hai bên có thể hình thành một liên minh, hướng đến việc hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực như: R&D (nghiên cứu và phát triển), chuỗi cung ứng và mở rộng thị trường ra quốc tế; đây là quy trình vận hành quen thuộc đã được áp dụng trong liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi hiện nay.
Trong năm 2024 vừa qua, cả Dongfeng và Changan đều không đạt mục tiêu doanh số đề ra. Cụ thể, Changan bán được 2,68 triệu ô tô, tăng trưởng 14,79% (mục tiêu là 2,8 triệu chiếc); và sẽ tăng lên tới 3 triệu chiếc trong năm 2025, đạt mức tăng trưởng 12% với 1 triệu xe năng lượng mới (NEV) và 1 triệu xe xuất khẩu.
Tập đoàn Dongfeng đặt mục tiêu doanh số năm 2024 là 3,2 triệu xe nhưng chỉ bán được 1,89 triệu ô tô, thậm chí đã giảm 9,2% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong năm 2025, hãng tiếp tục đưa ra mục tiêu tới 3 triệu chiếc, trong đó NEV sẽ vượt qua 1 triệu chiếc và xuất khẩu ra nước ngoài 500.000 chiếc. Dongfeng đang gặp khó khăn khi các thương hiệu ô tô liên doanh gồm Dongfeng Nissan và Dongfeng Honda lần lượt giảm doanh số 12,7% và 29,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang có sự cạnh tranh gay gắt trong chính nội bộ quốc gia khi các doanh nghiệp nhà nước phải đối mặt với áp lực lớn trong quá trình chuyển đổi sang các dòng xe NEV và cạnh tranh với nhiều công ty tư nhân lớn gồm BYD và Liên minh di động thông minh Harmony (HIMA) của Huawei.
Tại Việt Nam, cả hai thương hiệu Dongfeng và Changan đang có sự xuất hiện đồng thời trong năm 2025; nếu như Dongfeng ra mắt 4 mẫu xe được nhập khẩu hoàn toàn từ Trung Quốc bởi một nhà phân phối chưa có nhiều kinh nghiệm trong ngành ô tô, trong khi Changan thành lập liên doanh xây dựng nhà máy lắp ráp và phân phối xe cùng với Kim Long Motor (tại Huế) - một doanh nghiệp khá mới mẻ trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Theo CarNewsChina