Đại diện BYD Auto Việt Nam khẳng định, nếu có mặt tại Việt Nam, BYD Tang sẽ vẫn giữ nguyên tên gọi.
Dành cho các bạn quan tâm
Với lý do là cái tên TANG, theo tiếng Việt Nam, là mang ý nghĩa không tốt đẹp, khá nhiều luồng ý kiến phản hồi đề nghị thương hiệu ô tô Trung Quốc – BYD Auto đổi tên khi vào Việt Nam.
Những ý kiến này được dư luận khá quan tâm và tạo ra các bình luận khá gay gắt khiến BYD Auto Việt Nam đã phải có phản hồi về việc này. Theo đó, Giám đốc điều hành BYD Auto Việt Nam cho biết: Nếu đưa BYD Tang vào Việt Nam (dự kiến trong tháng 10 này) thì cái tên này vẫn sẽ không thay đổi, để đồng bộ với tên sản phẩm trên thị trường toàn cầu.
Thậm chí, vị đại diện này còn cho biết, nếu có đổi tên, thì tất cả các thủ tục xin cấp phép để được kinh doanh mẫu xe này tại Việt Nam, sẽ phải thực hiện lại từ đầu và dự kiến sẽ phải mất tới 6 tháng để có thể hoàn thành các thủ tục này.
Vậy vì sao truyền thông lại muốn đổi tên một chiếc ô tô Trung Quốc, mục đích của việc này là gì? Một câu hỏi vô cùng đơn giản nhưng khiến nhiều người giật mình: Từ khi nào truyền thông ô tô xe máy trong nước lại đi lo nghĩ hộ cho doanh nghiệp? Điều này (đề nghị đổi tên) có làm thay đổi hoặc lung lay nghĩa vụ của truyền thông với bạn đọc khi Phải là người cung cấp Thông tin chứ không phải Truyền tin cho doanh nghiệp?
Việc đổi hay không đổi một cái tên “có vấn đề” với bất kỳ thị trường nào, chắc chắn hãng đã cân nhắc từ khi chuẩn bị có kế hoạch kinh doanh.
Và trong bài toán kinh doanh, nếu doanh số đủ lớn, lợi nhuận đủ cao, họ sẽ cân nhắc việc đổi tên. Còn không việc đổi tên một mẫu xe sẽ cực kỳ hạn chế bởi đặt tên xe như thế nào, có ý nghĩa ra sao… vốn có dụng ý và nằm trong chiến lược cho cả một kế hoạch kinh doanh mang tính vĩ mô, nhất là những thương hiệu muốn có sự xuất hiện ở các thị trường lớn trên thế giới. Chưa kể, Trung Quốc là đất nước mà lòng tự tôn của người dân rất cao.
Và rõ ràng, cái tên BYD Tang tốt hay xấu, nên (nếu không muốn nói là PHẢI) để cho người tiêu dùng quyết định sự tồn tại của chiếc xe trên thị trường; Nếu có vấn đề, ý nghĩa không hay ho, họ tự mình không quan tâm, không mua xe… ngược lại nếu chứng mình được đó là một mẫu xe tốt, giá hợp lý, phù hợp nhu cầu thì rõ ràng cái tên cũng chỉ là một vấn đề không đáng phải bận tâm.
BYD Tang là một chiếc crossover cỡ trung – được lấy tên của triều đại nhà Đường, một mẫu xe chở khách thứ hai trong dòng "Dynasty" của BYD Auto đặt tên (sau BYD Qin – triều đại nhà Tần)
BYD Tang thế hệ đầu tiên được giới thiệu tại Triển lãm ô tô Bắc Kinh năm 2014 và chỉ có phiên bản hybrid sạc ngoài PHEV. Các mẫu xe BYD Tang đầu tiên đến tay khách hàng vào tháng 6 năm 2015 và sau đó nhanh chóng trở thành xe PHEV bán chạy nhất tại Trung Quốc vào năm 2016 và là xe ô tô cắm điện bán chạy thứ ba thế giới trong năm đó.
BYD Tang thế hệ thứ hai ra mắt tại Auto China vào tháng 4 năm 2018 với phiên bản chạy bằng pin (BEV) với dung lượng pin là 82,8 kWh. Phiên bản này sau đó đã được bán ở Châu Âu vào năm 2021 (tại Na Uy).
Năm 2021, BYD Tang được nâng cấp với sự xuất hiện của cụm pin Blade và hệ thống DM-i (Dual Motor – Intelligent hoặc DualMode-intelligent) là sự kết hợp của động cơ xăng ICE 1.5L turbo Atkinson làm nhiệm vụ sạc pin và một motor điện.
Năm 2022, BYD Tang được nâng cấp với hệ thống DM-p (DualMode-powerful) hướng đến khả năng vận hành mạnh mẽ hơn, vẫn với hệ thống pin Blade độc quyền.
BYD Tang, ngoại thị trường Trung Quốc, hiện đang có mặt tại châu Âu (Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Phần Lan), châu Á (Israel), châu Mỹ (Colombia)…
Doanh số BYD Tang tại Trung Quốc từ năm 2015 – 2023 (nguồn chinamobil.ru)