Sau chuyến công tác tới Trung Quốc liên quan đến việc thử nghiệm xe lắp ráp tại đây, Jim Farley - CEO của Ford Motor đã nhận định: Các hãng xe điện Trung Quốc là mối đe dọa thực sự”. Vậy các thương hiệu ô tô mới của Trung Quốc có gì đáng quan tâm, hãy cùng tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của BYD Auto - một thương hiệu có sự phát triển "Đại nhảy vọt" với quãng thời gian cực ngắn để có vị thế như hiện nay.
Công nghiệp ô tô Trung Quốc đã có vị thế không chối cãi trong bản đồ của ngành công nghiệp ô tô thế giới, đặc biệt ở mảng xe điện (BEV, PHEV…). Sự lớn mạnh với tốc độ không thể tưởng tượng của những cái tên như BYD, Chery… khiến các thương hiệu ô tô lâu đời trên toàn thế giới phải nhìn bằng con mắt khác.
Sự hội tụ đầy đủ các yếu tố đã khiến các thương hiệu ô tô Trung Quốc giờ đây có vị thế rõ nét trong bản đồ nền công nghiệp ô tô thế giới; sự tích luỹ về kinh nghiệm, trình độ sản xuất sau 50 năm liên doanh với các đối tác nước ngoài; việc đi tắt đón đầu các lĩnh vực quan trọng trong sản xuất ô tô điện, nguồn nhân công giá rẻ nhưng chất lượng; sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước…
Không chỉ giảm hẳn việc sao chép thiết kế của các thương hiệu quốc tế lớn, họ còn có những bước tiến vượt bậc về kỹ thuật chế tạo. Với và khả năng tiếp cận những vật liệu mà các nhà sản xuất ô tô quốc tế mơ ước, giờ đây họ là một thế lực không thể xem thường.
Sau chuyến công tác tới Trung Quốc liên quan đến việc thử nghiệm xe lắp ráp tại đây, Jim Farley - CEO của Ford Motor đã nhận định: Các hãng xe điện Trung Quốc là mối đe dọa thực sự”. Trong khi đó, Giám đốc Tài chính - John Lawler của thương hiệu xe Mỹ cũng đã thẳng thắn thừa nhận rằng "Họ đi trước chúng ta".
Sự phát triển của thương hiệu BYD Auto là một ví dụ rõ nét nhất về sự phát triển của nền công nghiệp ô tô điện của Trung Quốc, với sự hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc để giờ đây có mặt một cách đường hoàng trên bản đồ nền công nghiệp ô tô thế giới.
BYD được ông Wang Chuanfu (Vương Truyền Phúc) thành lập vào năm 1995 với tư cách là một nhà sản xuất pin, công ty đã có được những thành công nhất định khi chỉ trong một thời gian ngắn trở thành nhà cung cấp cho Motorola và Nokia. Tuy nhiên, mảng ô tô của BYD mới là điều đáng quan tâm.
Vào tháng 1 năm 2003, công ty thành lập BYD Auto sau khi mua lại và đổi tên một công ty sản xuất ô tô nhỏ là Xi'an Qinchuan Automobile, từ một công ty quốc phòng nhà nước Norinco Group (tên gọi tại Trung Quốc là China Ordnance Industries Group Corporation Limited). Mục đích là phát triển xe điện chạy bằng pin, tận dụng chuyên môn của BYD trong sản xuất pin.
Tại triển lãm ô tô Bắc Kinh năm 2004, bên cạnh các mẫu ý tưởng của xe ICE, BYD trưng bày chiếc xe điện BYD Flyer EF3. Chiếc xe này sau đó không được sản xuất do nhiều yếu tố, năm 2010, BYD huỷ bỏ kế hoạch sản xuất mẫu xe này.
Ban đầu, xe BYD được trang bị động cơ của Mitsubishi nhưng dần dần BYD Auto đã tạo ra động cơ riêng của mình bằng cách cải tiến bản thiết kế động cơ của Mitsubishi Motors và của các công ty OEM tại Trung Quốc, song song với việc quản lý chặt chẽ chi phí sản xuất, bán hàng. Các mẫu BYD F0 và F3 sau đó cũng đã có mặt tại Việt Nam vào năm 2010.
Năm 2005, BYD Auto đóng góp 10% vào doanh thu của Công ty BYD. Đến năm 2006, hơn một năm kể từ khi F3 ra mắt, đóng góp của BYD Auto đã tăng lên 25%. Trong nửa đầu năm 2009, lần đầu tiên mảng kinh doanh ô tô chiếm hơn một nửa doanh thu của BYD Company (đạt 55%).
Tháng 3 năm 2008 tại Triển lãm ô tô Geneva ở Thụy Sĩ, phiên bản điện hybrid cắm điện (PHEV) của BYD F3 chiếc F3 DM được giới thiệu và được cho là mẫu xe hybrid cắm điện sản xuất đầu tiên trên thế giới.
Tháng 1/2009 BYD đã giới thiệu chiếc xe điện chạy bằng pin đầu tiên của mình – chiếc BYD e6 tại Triển lãm ô tô quốc tế Bắc Mỹ (Detroit Motor Show).
Cũng trong năm 2009, BYD bắt đầu sản xuất xe buýt điện chạy bằng pin như một phần của chương trình thí điểm do chính phủ Trung Quốc khởi xướng. Dự án này cho ra đời 1.000 xe buýt điện BYD K9 cho chính quyền Hồ Nam, những chiếc xe có phạm vi hoạt động là 305 km cho mỗi lần sạc với tốc độ tối đa là 70 km/h thời gian sạc hết sáu giờ và sạc nhanh 50% trong 30 phút.
Năm 2010, BYD Auto Industry Co., Ltd. và Daimler AG thành lập một liên doanh 50-50 có tên là Shenzhen BYD Daimler New Technology với một thương hiệu có tên là Denza để tập trung vào nghiên cứu và phát triển các loại xe năng lượng mới. Thương hiệu này đã giới thiệu một mẫu xe ý tưởng có tên là Denza EV tại Auto China vào tháng 4 năm 2012.
Tháng 11 năm 2016, BYD thuê Wolfgang Egger làm giám đốc Thiết kế của BYD Auto. Egger, người đã xây dựng sự nghiệp của mình tại Alfa Romeo, Audi và SEAT. Sản phẩm đầu tiên (với triết lý thiết kế Dynasty) được trưng bày tại Triển lãm ô tô Thượng Hải năm 2017 là một mẫu concept SUV chạy điện – mẫu xe được coi là nền tảng cho mẫu BYD Tang thế hệ thứ hai.
Giai đoạn này, BYD phụ thuộc rất nhiều vào trợ cấp của chính phủ để tạo ra lợi nhuận từ xe hybrid cắm điện và xe điện chạy bằng pin. Ví dụ, vào năm 2016, công ty đã nhận được khoảng 1 tỷ đô la Mỹ tiền trợ cấp cho xe năng lượng mới, vượt qua lợi nhuận ròng của năm đó là 5,1 tỷ Nhân dân tệ (750 triệu đô la Mỹ). Các khoản trợ cấp này chiếm hơn 20% trong tổng doanh thu 5 tỷ đô la Mỹ của BYD từ việc bán xe năng lượng mới trong năm đó.
Từ năm 2017-2019, BYD phải đối mặt với những thách thức do nguồn trợ cấp này bị cắt giảm, điều này dẫn đến doanh số bán hàng chậm lại đáng kể và lợi nhuận ròng giảm mạnh trong ba năm liên tiếp.
Năm 2019, lợi nhuận ròng của công ty giảm xuống chỉ còn 1,6 tỷ Nhân dân tệ. Chủ tịch Vương Truyền Phúc tuyên bố rằng mục tiêu chính của công ty chỉ là "tồn tại". Thậm chí trong những năm đại dịch Covid, BYD chuyển đổi thành công ty sản xuất khẩu trang (với quy mô lớn nhất thế giới). Tuy nhiên sau đó, tình hình kinh doanh của BYD Auto đã có biến chuyển theo chiều hướng tích cực.
Một số công nghệ độc quyền và là thành tựu của BYD trong ngành công nghiệp ô tô phải kể đến là công nghệ pin Blade, nền tảng e-Platform 3.0 và công nghệ CTB (Cell To Body). |
Năm 2020 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc phát triển xe điện của BYD khi cho ra mắt mẫu xe (có tên là HAN) sử dụng pin Blade.
Tháng 4 năm 2021, BYD đã giới thiệu e-Platform 3.0, một nền tảng dành cho xe điện chạy bằng pin, tích hợp và chuẩn hóa các thành phần cốt lõi cùng với cấu trúc thân xe mới, kiến trúc điện và hệ điều hành mới.
Tháng 12 năm 2021, Daimler AG đã giảm cổ phần của mình trong thương hiệu liên doanh với BYD Auto từ 50% xuống 10%, trong đó BYD Auto kiểm soát 90%. BYD đã làm mới dòng sản phẩm của của liên doanh bằng cách phát hành xe tải nhỏ Denza D9 vào năm 2022, tiếp theo là SUV Denza N7 vào năm 2023.
Trong nửa đầu năm 2022, BYD đã vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện sạc ngoài (PHEV) lớn nhất thế giới khi bán được 641.000 xe. Vào tháng 9 năm 2022, BYD trở thành nhà sản xuất ô tô đầu tiên tại Trung Quốc sản xuất một triệu xe năng lượng mới chỉ trong một năm.
Vào tháng 1 năm 2023, BYD đã thành lập thương hiệu cao cấp thứ hai của mình có tên là Yangwang bằng cách giới thiệu mẫu SUV hybrid cỡ lớn sạc ngoài Yangwang và siêu xe điện (EV) Yangwang U9 . Ngoài ra, công ty đã mở rộng thêm danh mục thương hiệu của mình bằng cách giới thiệu thương hiệu Fangchengbao vào tháng 6 năm 2023, tập trung vào các loại xe địa hình.
BYD hiện có hơn 30.000 bằng sáng chế đã được cấp, trung bình mỗi ngày thương hiệu nộp đơn xin cấp 32 bằng chế trên toàn cầu. Và tính đến nay đã có hơn 8 triệu ô tô điện sử dụng pin Blade của BYD đang lăn bánh trên toàn thế giới. |
Năm 2023, BYD Auto đã bán được hơn 3,024 triệu xe trên toàn cầu, tăng gấp bảy lần so với con số 427.302 xe của năm 2020. Sự gia tăng này một phần là do sự phổ biến ngày càng tăng của xe năng lượng mới ở Trung Quốc, chiếm 27,5% doanh số bán xe tại Trung Quốc vào năm 2022 (năm 2020 chỉ chiếm tăng từ 5,8%).
Cũng trong năm 2023, BYD đã dừng việc sản xuất xe sử dụng động cơ đốt (ICE), chuyển hướng tập trung sang xe năng lượng mới.
Tháng 11 năm 2023, BYD đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới sản xuất được 6 triệu xe năng lượng mới. BYD cũng nắm giữ 36% thị phần trong phân khúc xe năng lượng mới tại Trung Quốc tính đến tháng 9 năm 2023.
Tổng kết năm 2023, BYD đã bán được hơn 3,02 triệu xe năng lượng mới, tiếp tục là nhà sản xuất xe điện PHEV lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất xe điện chạy bằng pin lớn thứ hai (sau Tesla), với thị phần toàn cầu lần lượt là 21,4% và 15%.
Trong khi ăn mừng sản lượng xe năng lượng mới thứ 5.000.000 của BYD vào tháng 8 năm 2023, Wang Chuanfu đã kêu gọi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc địa phương "đoàn kết" để tiếp quản các nhà sản xuất nước ngoài. Wang tuyên bố rằng "1,4 tỷ người dân Trung Quốc có nhu cầu khi chứng kiến một thương hiệu Trung Quốc trở nên toàn cầu" và đã khởi xướng một chiến dịch có tên "Cùng nhau, chúng ta là ô tô Trung Quốc". Lời kêu gọi này đã được các CEO của Nio và Li Auto ủng hộ.
Hiện nhà máy sản xuất pin Blade lớn nhất của BYD Auto đặt Trùng Khánh có diện tích 1 triệu m2, được đầu tư 2,5 tỷ USD với 17.000 nhân viên làm việc. Nhà máy này có 18 cơ sở sản xuất, 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển cho năng lực sản xuất 200 GWH (số liệu năm 2022) và dự kiến đạt 550 GWH vào năm 2025. Viện nghiên cứu tại đây hiện có hơn 400 tiến sĩ, hơn 7.000 nhân viên nghiên cứu vật liệu, phát triển cell pin và tích hợp thông minh.