Dù công nghệ sạc siêu nhanh cho xe điện đang liên tiếp được các nhà sản xuất Trung Quốc cho ra mắt nhưng còn rất nhiều vấn đề trong quá trình triển khai, ảnh hưởng lớn đến việc tích hợp cho xe du lịch hiện nay.
Dành cho các bạn quan tâm:
Gần đây, các công ty Trung Quốc liên tục tung ra thị trường công nghệ sạc nhanh cho ô tô điện với công suất tối đa trên 1.000 kW (1 MW); trong đó, Huawei là "gương mặt" mới nhất gia nhập cuộc đua này với trụ sạc đạt công suất 1,5 MW.
Tuy nhiên, khác với các đối thủ, lãnh đạo cấp cao của Huawei không hướng công nghệ này nhằm áp dụng ngay cho xe du lịch mà sẽ tích hợp trước cho xe tải (tương tự trụ sạc 750 kW của Tesla cho xe tải Semi) do xác định công nghệ sạc nhanh chưa phù hợp để áp dụng cho các dòng ô tô cỡ nhỏ.
Theo đó, trải nghiệm sạc thực tế của các trụ sạc siêu nhanh được cho thường không đạt được tốc độ như quảng cáo, nhiều người dùng xe điện cho biết họ thường xuyên phải đợi gần 30 phút mới sạc đầy cho ô tô dù lý thuyết cho phép xe lên mức 80% pin trong 15 phút. Có nhiều yếu tố gây nên tình trạng này và khiến thực tế người dùng không thể có được thời gian sạc nhanh như quảng cáo.
Đầu tiên, công suất đầu ra của trụ sạc thường bị hạn chế bởi nhiều yếu tố như: Điện áp và cường độ dòng điện. Theo đó, để duy trì công suất 1 MW của trụ sạc BYD, điện áp sẽ luôn phải duy trì ở mức 1.000 V và dòng điện đạt 1.000 A, những điều kiện khó giữ được trong thực tế. Ngoài ra, tốc độ sạc còn bị ảnh hưởng bởi nền tảng pin điện, mức tăng điện áp trong quá trình sạc và giai đoạn sạc chậm cuối cùng.
Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho hạ tầng sạc siêu nhanh cũng là một rào cản rất lớn. Cụ thể, với mức công suất trên 500 kW, nhà cung cấp sẽ phải sử dụng cáp điện và hệ thống làm mát bằng chất lỏng, tăng chi phí thêm tới gần 17.000 USD (gần 440 triệu đồng) mỗi trụ sạc, cao gấp 3-5 lần so với trụ sạc hiện nay. Cùng với đó, hệ thống làm mát bằng chất lỏng phải được bảo dưỡng và thay thế môi chất làm mát thường xuyên, cũng gây đội chi phí rất lớn.
Trước đó, chính BYD cũng thừa nhận các trụ sạc 1 MW sẽ gây quá tải cho lưới điện nên hãng cũng có phương án xây dựng các hệ thống lưu trữ năng lượng (một bộ pin riêng cho trạm sạc) nhằm duy trì điện có sẵn và sạc lại cho xe điện để tránh gây áp lực trực tiếp lên điện lưới. Tuy nhiên, khi sạc hết pin lưu trữ sẵn, việc quá tải lưới điện vẫn có thể xảy ra, chưa kể chi phí cho hệ thống lưu trữ cũng tăng đáng kể.
Các chuyên gia trong ngành ô tô cũng cho rằng sạc xe điện siêu nhanh có thể chỉ cần thiết ở một số tình huống nhất định, như trên cao tốc hoặc các trạm xăng truyền thống (nơi tài xế có nhu cầu xong việc nhanh), và sẽ không phù hợp tác các khu vực trong đô thị như: Trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, nhà hàng…
Song song với sự phát triển công nghệ sạc pin, một hãng xe tại Trung Quốc lại đi theo hướng sử dụng hệ thống đổi pin cho xe điện, đó chính là Nio. Từ khi bắt đầu triển khai dự án vào năm 2018, đến đầu năm 2025, hãng đã đạt mốc 3.000 trạm đổi pin tại Trung Quốc, cung cấp tổng cộng khoảng 61,7 triệu lượt thay pin và thu hút nhiều thương hiệu gia nhập hệ thống đổi pin của mình. Đây được cho là một trong những đối thủ chính cho công nghệ sạc siêu nhanh khi không chỉ là lý thuyết mà đã được đưa vào thực tế.
Tổng hợp