Doanh số của một số hãng xe Trung Quốc đang có dấu hiệu được thổi phồng để “làm đẹp sổ sách”, nhưng liệu lời giải thích rằng đó chỉ là xe trưng bày có hợp lý?
Dành cho các bạn quan tâm:
Các thương hiệu ô tô Trung Quốc thổi phồng doanh số ra sao?
Theo Reuters, các tài liệu cho thấy một số thương hiệu Trung Quốc, gồm Zeekr và Neta đã cố tình thổi phồng doanh số trong nhiều năm trở lại đây nhằm đạt được doanh số mục tiêu cũng như các ưu đãi từ chính phủ nước này. Theo đó, phương thức được các hãng này thực hiện là ghi nhận doanh số thông qua số lượng bảo hiểm được bán trước cho ô tô, giúp tăng doanh số dù xe chưa được giao đến tay người mua.
Cụ thể, Neta - một trong những hãng ô tô đang trên bờ vực phá sản - đã "gian lận" số liệu nhiều nhất với con số ghi nhận lên tới 64.719 chiếc từ tháng 1/2023 đến tháng 3/2024, chiếm hơn một nửa tổng doanh số hãng công bố.
Trong khi đó, Zeekr - thương hiệu chuyên về xe điện của tập đoàn Geely Auto - được cho là cũng đã thực hiện thủ thuật này tại một số đại lý ở Trung Quốc. Theo đó, những chiếc ô tô này dù đã được ghi nhận đã bán tại showroom nhưng vẫn chưa giao cho khách hàng, và được gọi là "xe đã qua sử dụng nhưng chưa lăn bánh" (zero-mileage used cars).
Tuy chưa rõ số lượng xe Zeekr liên quan đến vấn đề này nhưng nhiều nghi vấn đã được đặt ra về doanh số ô tô ghi nhận tăng mạnh bất thường tại các đại lý chính (thuộc nhà phân phối Xiamen C&D Automobile) ở thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) và Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến); cụ thể là doanh số lên tới 2.737 chiếc bán ra chỉ trong tháng 12/2024, cao gấp 14 lần so với trung bình hàng tháng trước đó.
Theo đó, Zeekr bị cáo buộc đã cùng với Xiamen C&D ghi nhận doanh số ô tô sớm thông qua việc mua bảo hiểm, nhằm làm đẹp sổ sách cho hãng xe thuộc tập đoàn Geely trước khi năm tài chính 2024 kết thúc.
Theo tờ China Securities Journal, các "xe đã qua sử dụng nhưng chưa lăn bánh" sau đó sẽ được mang đi bán tại thành phố Bắc Kinh và Trùng Khánh; người mua những ô tô trên sẽ được giảm giá khoảng 3.000 nhân dân tệ (khoảng 11 triệu đồng) và tặng kèm phiếu sạc điện trị giá 10.000 nhân dân tệ (khoảng 36,4 triệu đồng). Đáng chú ý, khách hàng cũng xác nhận xe của họ đều được bảo hiểm bởi Xiamen C&D hoặc các công ty con.
Lời giải thích từ các thương hiệu
Vào ngày 19/7, truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đã đưa tin về vấn đề thổi phồng doanh số của Zeekr, một dấu hiệu cho thấy chính Quyền Trung Quốc đã bắt đầu chú ý hơn đến vụ việc. Trong khi đó, phía đại lý bán ra những chiếc ô tô cũ chưa lăn bánh cũng từ chối hoàn tiền cho khách hàng đã mua xe.
Cả Neta và Xiamen C&D đã không trả lời Reuters về vụ việc trên. Trong khi đó, người phát ngôn của tập đoàn Geely cho biết họ từ chối các báo cáo của China Securities Journal và cũng từ chối bình luận, cùng như cung cấp thêm chi tiết, về vấn đề trên cho Reuters.
Vào ngày 20/7, Zeekr thông báo trên trang mạng xã hội Weibo của mình cho biết những chiếc ô tô trong vụ việc vốn là xe trưng bày tại showroom, và bắt buộc phải mua bảo hiểm theo đúng pháp luật. Thương hiệu ô tô của Trung Quốc cũng khẳng định xe vẫn còn mới và chưa từng được đăng ký cho đến khi được bán đến tay khách hàng.
Một đại lý giấu tên tiết lộ cho Reuters rằng Neta đã bắt đầu thực hiện thủ thuật này vào cuối năm 2022 nhằm tận dụng trợ cấp của chính phủ Trung Quốc dành cho xe điện chuẩn bị kết thúc khi hết năm.
Điều này giúp doanh số Neta đạt đỉnh với 152.000 chiếc bán ra trong năm 2022, là nhà sản xuất xe điện mới lớn thứ 8 tại Trung Quốc. Sau đó, doanh số của hãng giảm dần xuống mức 127.500 chiếc năm 2023, 64.500 chiếc năm 2024 và chỉ còn 1.215 chiếc trong quý I/2025. Theo truyền thông Trung Quốc, Neta đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản vào ngày 12/6 vừa qua.
Trung Quốc trợ cấp ra sao để phát triển ô tô điện? Nhằm phát triển xe điện trong nước, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu thí điểm trợ cấp cho xe năng lượng mới (NEV - gồm cả xe thuần điện, Hybrid sạc ngoài và xe chạy bằng pin nhiên liệu) từ năm 2009, nhưng giới hạn cho xe buýt và xe công tại một số thành phố lớn. Đến năm 2013, Trung Quốc mở rộng các khoản trợ cấp sang ô tô cá nhân dựa vào dung lượng pin, với mức 35.000 – 60.000 nhân dân tệ (khoảng 128 - 219 triệu đồng). Một số địa phương thậm chí triển khai các chính sách như miễn phí đăng ký, phí cấp biển... để thúc đẩy người dân chuyển sang các phương tiện xanh. Từ năm 2016, chính phủ nước này tiếp tục tiến hành chính sách hỗ trợ nhưng đặt ra các điều kiện khó khăn hơn; đến năm 2019, mức trợ cấp giảm 50% so với trước đây. Bước sang giai đoạn năm 2020 - 2022, Trung Quốc giảm mạnh trợ cấp tiền mặt xuống còn 10.000 - 15.000 nhân dân tệ (khoảng 36 - 55 triệu đồng) và thắt chặt các tiêu chí hơn. Từ năm 2023, Trung Quốc ngừng trợ cấp mua xe điện ở cấp trung ương, chuyển trọng tâm sang hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng sạc điện, nghiên cứu công nghệ pin, chip và xe tự lái... Tuy nhiên, đến giữa năm 2024, nước này đã trở lại với mức hỗ trợ 10.000 nhân dân tệ (khoảng 36 triệu đồng) cho người dân chuyển đổi từ xe sử dụng xăng sang xe điện. |
Doanh số xe xanh tiếp tục tăng trưởng tại Trung Quốc
Theo số liệu được trang China EV Datatracker thống kê từ Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc (CPCA), doanh số xe du lịch của thị trường này đã đạt gần 10,9 triệu chiếc sau nửa đầu đầu năm 2025, tăng trưởng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xe năng lượng mới đạt tới doanh số gần 5,46 triệu chiếc và tăng trưởng 33%; trái lại, lượng ô tô động cơ đốt trong (ICE) lại giảm 5,2% xuống chỉ còn hơn 5,43 triệu chiếc.
Xe thuần điện (BEV) đang có mức tăng trưởng nhanh hơn tại Trung Quốc, đạt mức 37,6%, với 3,33 triệu chiếc bán ra; trong khi xe Hybrid sạc ngoài (PHEV) đạt gần 2,13 triệu chiếc, tăng trưởng 26,5%.
Ngoài ra, số lượng xuất khẩu xe NEV của Trung Quốc cũng có mức tăng mạnh, lần đầu tiên đạt hơn 1 triệu chiếc trong nửa đầu năm. Cụ thể, thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Trung Quốc (CAAM) cho thấy đã có gần 1,06 triệu ô tô được xuất khẩu (chủ yếu thuộc thương hiệu BYD và Tesla) ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng tới 74,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng hợp